Thanh minh tuy không phải là cái tết lớn, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.
Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.
Theo thông lệ từ trước đến nay, cứ sau tháng Giêng là người ta đã lo việc đắp mộ cho những người quá cố. Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy... và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống khác tùy sở thích của mỗi nhà. Bộ tam sinh dùng để tế trong các đại lễ ngày xưa là ba con vật: bò, heo, dê. Ngày nay tùy theo tập quán của mỗi địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình để làm lễ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nơi tha ma mộ địa còn có lập một cái am để thờ chung những mồ mả vô chủ gọi là Am chúng sinh và mỗi cửa am có một bà đồng sớm tối đèn hương thờ phụng.
Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Tảo mộ là một phong tục đẹp, nhưng khi đi tảo mộ xong người xưa thường dặn con cháu không được mang những thứ sau về nhà:
Không mang hương thừa về nhà
Tảo mộ thì không thể thiếu hương. Thắp hương lên mới kết nối được với tổ tiên nên dù có thiếu thứ gì thì cũng không thể thiếu hương. Tuy nhiên nhiều người mang nhiều hương hơn số mộ phần dòng họ nên thắp xong thì còn thừa. Người xưa cho rằng hương đã mang ra nghĩa địa thì không mang lại về nhà bởi vì có thể sẽ mang theo âm khí và vong hồn lưu lạc bám vào hương về nhà, gây rối loạn trường khí trong nhà khiến người ốm đau bị bệnh.
Do đó khi đi tảo mộ nên mang số hương vừa phải. Trong trường hợp không thắp hết thì nên để lại hương vào ống hương tại mộ phần không nên mang về nhà.
Không mang lễ vật trên mộ nhà khác
Tiết Thanh minh là dịp mà nghĩa địa rất đông người, hầu như các gia đình đều đi tảo mộ nên có thể trùng ngày gặp nhau. Khi đó cần tránh không để lẫn lễ vật của gia đình mình với gia đình khác, nhất là khi cùng vào đặt lễ thắp hương ở khu thờ quan thần của nghĩa địa. Việc mang nhầm lễ vật về nhà là đại kỵ phong thủy.
Đặc biệt nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ đi cùng cần chú ý để tránh cho trẻ nhỏ vì không biết mà thích thú sang lấy lễ vật nhà khác, và không nên để những con cháu trẻ tuổi đi hạ lễ ở các phần mộ của gia đình tránh nhầm lẫn.
Không mang những đồ vật ngoài nghĩa trang về nhà như đất, cỏ cây, vật có hình thù kỳ lạ...
Khi đi tảo mộ, bạn chỉ nên hạ lễ của gia đình mình cho con cháu thụ lộc. Nếu hoa quả và đồ ăn có thể thụ lộc thì thụ ngay tại chỗ nhưng rác vứt gọn gàng. Còn lại tránh mang bất cứ thứ gì từ nghĩa địa về.
Tiết Thanh minh là lúc thời tiết trong lành, cỏ cây hoa lá phát triển nên nhiều người có thể thích cây hoa ở nghĩa địa, thích mang chút đất về nhà để trồng cây cảnh. Nhưng theo lời khuyên của người xưa nên tránh mang bất cứ thứ gì về bởi những thư nằm ở nghĩa địa lâu có thể bị âm khí mạnh, có thể có vong hồn theo. Do đó khi mang đồ vật này về nhà có thể khiến gia đình bị khí âm vây bủa gây mệt mỏi ốm đau.
Đặc biệt nếu thấy những đồ vật hình thù kỳ dị cần tránh hơn vì chúng có thể có sát khí rất kỵ trong phong thủy.
Do đó khi đi tảo mộ bạn cần nhớ không nên nhặt thứ gì ở ngoài nghĩa địa về ngoại trừ hoa quả lễ vật của gia đình. Sau khi về nhà nên tắm rửa sạch sẽ hoặc hơ lửa để tránh tà khí về nhà.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm.
Hoàng Khuông (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)