Những trường hợp được tăng lương hưu theo quy định bao gồm:
Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.
Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định.
Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng.
Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.
Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995.
Một số đối tượng có thể không được tăng lương từ 1/7/2024
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước để áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 134.284 cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với mức tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung từ 0,66 - 2,43 lần.
(Ảnh minh họa)
Khi cải cách tiền lương, các trường hợp này đều phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới. Nếu bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù thì lương mới của những cán bộ, công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Bộ Nội vụ đã rà soát được 36 cơ quan, đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù. Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì một số cơ quan còn có thể bị giảm 50% lương.
Tuy nhiên, theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Theo Nghị quyết 27, cơ cấu tiền lương mới của công chức, viên chức bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% quỹ lương). Ngoài ra còn có khoản tiền thưởng chiếm khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm.
(Ảnh minh họa)
Các ngành xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Bảng lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay để thay bằng số tiền cụ thể.
Chính phủ sẽ có phương án bảo lưu chênh lệch lương (không tăng thêm) cho cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan có bảng lương đặc thù để hướng đến sự công bằng với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, lương của cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan đặc thù có thể sẽ giữ nguyên và không tăng.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)