Từ khi có dịch Covid-19 xảy ra, một bố đảm là Phan Nguyện ở TP Hồ Chí Minh đã quyết định cải tạo sân thượng 30 m2 để trồng rau lấy thực phẩm sạch cho gia đình.
Ban đầu, anh Nguyện bỏ ra chí phí 20 triệu đồng cho việc cải tạo sân thượng, bao gồm các công đoạn cải tạo chống thấm sàn mái, làm khung giàn, chậu, đất,...
Thời gian mới trồng anh cũng gặp một số khó khăn về cách chăm sóc cây và rau, nhưng sau gần 2 năm, anh đã có kinh nghiệm trồng rau và dàn giây leo cho năng suất cao.
Những cây mướp, anh Nguyện trồng trong thùng xốp. Anh chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Khoanh gốc mướp: khi cây mướp thân dài được khoảng 1 - 1.5m mình có thể khoanh gốc.
Ngắt ngọn: Sau 1 tuần khoanh gốc dây mướp đã bò lên giàn thì mình có thể ngắt ngọn. Mục đích để cây ra nhiều nhanh phụ, nhiều nhánh phụ thì sẽ cho nhiều trái.
Bón phân: Sau khi cây mướp ra hoa, giai đoạn này cây cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển và nuôi trái, vì vậy phải bón phân để cây lớn khoẻ. Các loại phân chuồng như: bò, gà, dơi,...
Bọc trái: Khi vừa ra hoa cái thì ngày hôm sau mình bọc quả lại để tránh ruồi vàng chít hư trái. Sau khi thu hoạch xong lứa đầu, mình cắt tỉa lá già, bổ sung phân bón cây sẽ ra trái đợt 2. Cây mướp táo nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái nhiều đợt".
Đối với cà chua, anh cũng không ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người học hỏi: "Sau hơn 2 tháng trải nghiệm trồng, mình mới thu hoạch lứa cà chua cherry hay còn gọi cà chua bi. Giống cà chua này vị ngọt chua tự nhiên, bảo quản được lâu, chế biến được nhiều món hoặc ăn sống đều rất ngon. Mình xin chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ trong quá trình mình trồng để cả nhà cùng tham khảo. Chọn chậu trồng có kích thước to, thể tích chứa trên 20l đất.
Đất trồng: Mình cũng chọn loại đất tơi xốp, có thành phần tro trấu, xơ dừa. Bón lot bằng phân bò, phân dơi, phân trùn quế.
Làm giàn: Đây là giống cà chua thân phát triển thành tán cao trung bình 3 – 5m, phát triển nhánh, chia nhánh chữ Y rất nhanh nên chúng ta cần làm giàn kiên cố giúp cà chua bám tựa, tránh ngã đỗ gãy thân do gió. Việc làm giàn cũng rất quan trọng vì giúp cho cây phát triển hết khả năng của thân, cành và cho nhiều trái.
Cắt tỉa: Cắt tỉa thường xuyên lá từ gốc lên, giai đoạn cây mới phát triển cao hơn 1m cần cắt tỉa lá thường xuyên, cắt tỉa lá già và nhánh xấu để cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa và trái. Nên cắt tỉa lá vào buổi sáng, mỗi lần cắt tỉa xong mình phun nước vôi trong để tránh mầm bệnh nấm cho cây. Nước vôi trong là nước vôi mình ngâm qua đêm, phần vôi lắng đọng xuống dưới, mình chắc lấy nước trong để phun tưới. Công dụng của nước vôi trong ngoài việc giúp sát khuẩn vết cắt, còn giúp cây hấp thụ canxi, giúp hoa dễ đậu trái.
Xử lý giúp cà chua đậu nhiều trái: Ngoài việc phun nước vôi trong, mình có thể bổ sung Canxi Bo cho cây đinh kỳ 5 ngày 1 lần, lúc cây đang ra hoa. Giai đoạn này cây cũng cần nhiều dinh dưỡng nên mình bổ sung phân bón thường xuyên. Mình dùng đạm đậu nành, dịch chuối nha đam để tưới định kỳ 3 ngày 1 lần. Đây là các loại phân hữu cơ mình tự làm, ngoài ra mình còn bổ sung thêm cho cây một số loại phân bón khác như phân bò, phân trùn quế,…
Phòng ngừa sâu bệnh: Mình chỉ dùng duy nhất dầu neem nhủ hoá để phòng ngừa sâu, rầy, nhện đỏ,… Đây là thành phần hữu cơ được phin định kỳ 1 tuần 1 lần giúp cà chua khoẻ mạnh không bị sâu bệnh tấn công.
Thu hoạch: Sau 2 tháng cà chua bắt đầu cho trái, trái có thể thu hoạch sau 2 – 3 tuần sau khi đậu quả. Mình thu hoạch dần nhiều đợt đến khi cây già. Giai đoạn này chỉ duy trì dinh dưỡng là dịch chuối cho cây. Chúc cả nhà thành công nghen".
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)