Hiện nay, ô tô trở thành phương tiện khá phổ biến, được nhiều gia đình sử dụng để di chuyển. Và trên thực tế, phổ biến tình trạng cho trẻ em ngồi trên ghế phụ phía trước cạnh tài xế, thậm chí, đã có bố mẹ cho con nhỏ ngồi chung trên ghế lái.
"Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc trẻ em ngồi trên ghế phụ, ghế lái?", nhiều người tham gia giao thông thắc mắc.
Trước đó, pháp luật về giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về việc trẻ em ngồi ghế phụ phía trước hay thậm chí là ngồi cùng ghế lái. Tại khoản 2, điều 9, Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn. Theo đó, trẻ em có thể ngồi hàng ghế phụ phía trước và phải thắt dây an toàn.
Vì vậy, việc cho trẻ ngồi ghế phụ phía trước hoặc cùng ngồi ghế lái không được tính là hành vi vi phạm và chưa có chế tài xử phạt.
Nhưng theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định từ 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe.
Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế. Đồng thời, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Ngoài ra, tại quy định về hiệu lực thi hành Luật TTATGT đường bộ nêu rõ, nội dung này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, thay vì từ ngày 1/1/2025 như các quy định khác tại Luật.
Đây là điều các phụ huynh nên tuân thủ bởi hành vi cho trẻ em ngồi ghế phụ, đặc biệt là cho trẻ em ngồi chung ghế lái là rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Bởi trẻ nhỏ chưa hoàn thiện khả năng suy nghĩ và kiểm soát hành vi.
Hơn nữa, trẻ em thường có tính hiếu động, tò mò. Vì vậy, nếu ngồi ở hàng ghế trước, nhất là ngồi chung ghế lái sẽ rất dễ gây phiền phức, rối loạn và mất tập trung cho người lái, dễ dẫn đến tai nạn trên đường.
Một cán bộ CSGT Công an TP Hà Nội cũng chia sẻ, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cho chính người điều khiển cũng như người xung quanh đang tham gia thao thông, không nên để trẻ em ngồi ghế phụ phía trước và ngồi chung ghế lái.
"Trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí trong xe ô tô có thể bung ra làm tổn hại đến trẻ. Bên cạnh đó, dây đai an toàn vừa vặn với người lớn nhưng khá rộng và không thể chỉnh phù hợp cho trẻ khiến chúng dễ bị lọt ra ngoài, thậm chí bị lao về phía trước nếu có tai nạn xảy ra.
Hơn nữa, người điều khiển sẽ mất tập trung và bị cản trở khi có trẻ ngồi cùng ghế lái. Trẻ em hiếu động có thể táy máy nghịch khu vực lái khiến người lái không thể kiểm soát các tình huống phát sinh", vị CSGT này nói.
(Ảnh minh họa)
Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)