Theo ghi chép lịch sử về các triều đại Trung Quốc cổ xưa cho thấy, mỗi vị Hoàng đế đều có một lượng cung tần, mỹ nữ đáng kể. Có phải cung tần, mỹ nữ ấy chỉ để thỏa mãn cơn dục vọng của vị Hoàng Thượng đương triều, hay họ còn nhập cung với một mục đích khác?Quy tắc chọn người thừa kế vương vị
Ở mỗi triều đại Trung Hoa xưa, sau khi một vị Hoàng đế lên ngôi, thì sẽ phải nhanh chóng hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đó là sinh hạ được Thái Tử kế vị vương triều. Do đó, rất nhiều mỹ nữ được tiến cung, và trở thành một dàn hậu cung đồ sộ nhằm phục vụ cho mục tiêu này.
Trong hậu cung của Hoàng đế, hệ thống mỹ nữ hậu cung này được phân cấp và sắp xếp hết sức rõ ràng. Mặc dù cấp bậc của các phi tần trong cung là có sự khác biệt qua các triều đại. Nhưng Hoàng hậu luôn là người ở vị thế cao nhất trong Hậu cung, sau đó mới đến các phi tần và mỹ nữ thê thiếp (địa vị thấp nhất trong Hậu cung).
Hệ thống này đã được đặt ra từ thời nhà Chu, nên còn gọi là ‘Nghi lễ thời Chu’, hay ‘Chu lễ’. Nhà Chu xem việc thờ cúng tổ tiên là rất trọng yếu, do đó người phụ trách các nghi lễ thờ cúng, thường sẽ là tộc trưởng của dòng tộc. Cho nên, việc lựa chọn người thừa kế của dòng tộc cũng rất quan trọng, và chỉ có một người duy nhất được chọn để làm người thừa kế.
Sự sắp xếp phân quyền cho con cái của Hoàng hậu và các phi tần mỹ nữ, đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý nội bộ và trong việc thừa kế Hoàng vị. Thông thường những người thừa kế được sắp xếp theo thứ tự, vị trí, địa vị của người sinh ra họ: Con trai đầu lòng của Hoàng hậu, được gọi là “Thái tử” – là người thừa kế ngai vàng. Trong trường hợp Hoàng hậu không có con trai, người thừa kế sẽ được chọn trong số các con trai của các phi tần và thê thiếp khác. Những người này được sắp xếp theo thứ bậc, và vị trí dựa vào địa vị thân mẫu của họ.
Vào thời xưa, trong quá trình kế vị ngai vàng, có thể xảy ra các cuộc tranh giành địa vị rất tàn khốc. Vì vậy phương thức tuyển chọn theo quy luật này sẽ giúp cho Hoàng đế mới được bảo vệ an toàn. Ngoài ra các quan lại trong triều, cũng như quần chúng nhân dân không sẽ phải ngờ vực rằng, ai sẽ là người kế vị ngai vàng. Vị Thái tử được lựa chọn, sẽ được đào tạo để trở thành một vị Hoàng đế tốt, hữu ích cho bá tánh và xã tắc ngay từ khi còn nhỏ.
Ví như, vào thời Hán Tuyên Đế trị vì, (tên thật là Lưu Bệnh Dĩ, cháu đời thứ tư của Hán Vũ Đế), sau khi lên ngôi đã lập Hứa Bình Quân làm Hoàng hậu và con trai là Lưu Thích làm Thái tử. Theo sử sách có ghi chép lại, thì Hán Tuyên Đế đã thường xuyên dẫn dắt Thái tử ngay từ hồi còn nhỏ. Vua hướng dẫn Thái tử đọc rất nhiều sách về việc trị quốc, an dân. Ngoài ra Thái tử còn được tham gia thảo luận những nội dung quan trọng liên quan đến triều chính.
Hán Tuyên Đế (ảnh minh họa: Wikipedia).
Quy tắc lựa chọn người thừa kế ngai vàng, được tuân thủ rất nghiêm ngặt trong các triều đại Trung Quốc. Việc này giúp duy trì việc kế vị hoàng tộc được suôn sẻ và đảm bảo sự ổn định của các triều đại Trung Hoa xưa ngay cả khi Hoàng đế sinh hạ được rất nhiều Hoàng tử.
Hậu quả của việc không sinh được người thừa kế
Điều gì sẽ xảy ra, nếu Hoàng đế không có con trai nối dõi? Nhiều người có thể nghĩ, Hoàng đế có nhiều vợ như vậy, sao lại có thể xảy ra chuyện không có con nối dõi? Nhưng trên thực tế, đó luôn là nguy cơ nguy hiểm đe dọa sự tồn vong của các triều đại. Ngay cả Đông Hán và Tây Hán đều bị diệt vong vì các Hoàng đế không sinh được Hoàng tử để kế thừa Vương vị.
Ở thời Tây Hán, Hán Thành Đế không có con trai. Vì vậy, vào cuối đời ông không còn lựa chọn nào khác là phải nhường ngôi vị cho cháu trai Lưu Hân (tức Hán Ai Đế). Hán Ai Đế là một người trẻ tuổi thông minh, và có năng lực trị vì. Tuy nhiên, Hán Ai Đế lại là một người đồng tính. Không lâu sau khi đăng cơ, ông đã đem lòng yêu một người đàn ông đẹp trai tên là Đổng Hiền. Hán Ai Đế qua đời khi mới 24 tuổi, và tất nhiên ông chưa bao giờ sinh được một người con nào, cuối cùng đã tạo cơ hội cho Vương Mãng – một kẻ nổi loạn và bạo lực, chiếm lấy ngai vàng.
Tây Hán hủ bại, vương triều dẫn đến diệt vong. Vậy Đông Hán thì sao? Đông Hán còn tồi tệ hơn, đây được coi là triều đại nổi tiếng, vì Hoàng Đế sinh được nhiều con nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng lại có rất nhiều vị hoàng tử yểu mệnh qua đời khi chưa đầy 10 tuổi. Vị Hoàng đế duy nhất còn sống sót là Hán Hoàn Đế cũng không sinh được người kế vị. Vì vậy, Hoàng hậu phải nhường ngôi cho chắt của Hán Chương Đế. Hoàng đế mới lên ngôi khi tuổi còn rất trẻ nên hoàng hậu trở thành người buông rèm nhiếp chính. Sau này Hoàng hậu từng bước soán ngôi và đẩy vương triều Đông Hán vào con đường diệt vong.
Nhà Hán và Đế chế La Mã
Đế chế La Mã và nhà Hán có rất nhiều điểm tương đồng: Lực lượng quân sự hùng mạnh, văn hoá nghệ thuật, chính trị và xã hội rất phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều điểm khác biệt:
Nhìn lại những trang lịch sử của La Mã cổ đại, chúng ta có thể thấy vô số những trận chiến đẫm máu xảy ra bởi những ham muốn, dục vọng tranh giành quyền lực, để phô trương sức mạnh của một vị nào đó. Đây chính là lý do mà những người La Mã không tìm ra cách nào để giải quyết vấn đề, và tiếp tục duy trì sự tồn tại đế chế của mình.
Đế chế La Mã trong lịch sử đã có rất nhiều sự kiện minh chứng về những lần âm mưu nổi dậy và lật đổ để giết Hoàng đế. Họ tự ý phong vương cho người mới, để thay thế vị trí của Hoàng đế, hoặc những người thừa kế được nhà vua lựa chọn nhưng lại không được các tướng lĩnh ủng hộ… dẫn đến việc liên tục bùng nổ các cuộc nội chiến. Mỗi khi có một vị vua băng hà, hoặc bị thay thế, thì lại khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh đẫm máu.
Ngược lại, về phần nhà Hán, các vương triều Hán thất đã thành công trong việc duy trì sự ổn định đất nước của mình thông qua việc tuyển chọn sáng suốt người kế vị ngôi Hoàng đế. Đó chính là điểm khác biệt rất lớn giữa Đế chế La Mã và Vương triều Hán.
Sự thật về mục đích chân chính của các Phi tần trong chốn hậu cung
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, về các triều đại Trung Hoa. Các mối quan hệ ân ái của các vị Hoàng đế cổ xưa phải chịu sự giám sát, quản lý khá chặt chẽ. Điển hình nhất của sự hạn chế trong chuyện tình cảm này không thể không nhắc đến câu chuyện về các vị Hoàng đế triều đại nhà Minh và triều đại nhà Thanh. Tương truyền, Hoàng đế Khang Hy đã cho phép các Thái Giám của mình ghi chép lại số lần ông sủng hạnh với các phi tần và thê thiếp của mình.
Thông qua việc ghi chép này, Hoàng đế có thể kiểm soát được các phi tần chốn hậu cung và phòng tránh được việc họ làm lẫn lộn huyết thống của hoàng gia. Nhưng mặt khác, đây cũng là cách để kiềm chế ham muốn sự ‘hoang dâm vô độ’ của các vị Hoàng đế.
Ngoài mục đích mua vui, lạc thú chốn thâm cung của Hoàng đế, thì mục đích chân chính của các phi tần, chính là giúp Hoàng đế duy trì dòng dõi Thiên tử và dễ dàng tuyển chọn ra người con có đủ tài đức để kế vị ngai vàng.
HT (TH-dkn) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)