Cứ đến cận Tết Nguyên Đán, các gia đình lại rộn ràng đón xuân, chuẩn bị mâm ngũ quả. Trong Phật Giáo, 5 màu sắc của mâm ngũ quả tượng trưng cho “ngũ thiện căn” là tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Vì thế, các loại hoa quả được chưng trên mâm ngũ quả dịp Tết cũng mang những ý nghĩa nhất định. Trong đó, quả dừa được bày trên mâm ngũ quả vì có ý nghĩa riêng.
Từ "dừa" cũng mang đến sự tương đồng với từ "vừa". Trong truyền thống dân gian, chưng dừa vào dịp Tết thường được coi là biểu tượng cho sự vừa đủ, không thiếu hụt, và viên mãn trong cuộc sống.
Mâm ngũ quả được dùng trong lễ cúng tổ tiên ngày Tết không chỉ là sự thể hiện lòng tôn kính mà còn là cách bày tỏ mong muốn cho một năm mới thịnh vượng, hạnh phúc. Quả dừa thường góp phần quan trọng để hoàn thiện mâm ngũ quả, tạo nên sự trọn vẹn cho nghi thức cầu mong "cầu sung (túc) vừa đủ xài" đầu xuân. Đây không chỉ là một nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt qua nhiều thế hệ, mà còn phản ánh triết lý sống: sự cân bằng, vừa vặn và hài lòng với những gì mình đang sở hữu.
Nhiều gia đình truyền thống giữ lại thói quen sau lễ cúng sẽ cùng nhau thưởng thức nước dừa, kèm theo mong ước cho một năm mới ngọt ngào và thanh mát như hương vị của quả dừa. Nước dừa cũng là thành phần quan trọng trong nhiều món ăn truyền thống ngày Tết như thịt kho, chè, xôi, tạo thêm hương vị thơm ngon và đậm đà cho bữa ăn sum vầy trong gia đình.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)