Lý giải việc lựa chọn tên gọi Bắc Ninh
Đề xuất lấy tên Bắc Ninh cho tỉnh mới không chỉ đơn thuần là một quyết định hành chính, mà còn là sự tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc của vùng đất này. Tên gọi "Bắc Ninh" đã tồn tại từ năm 1831 và mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt:
- Cội nguồn lịch sử và văn hóa: Bắc Ninh gắn liền với truyền thuyết Thủy tổ dân tộc Kinh Dương Vương, biểu tượng của cội nguồn Lạc Việt. Nơi đây từng là Kinh đô Luy Lâu, minh chứng cho vị thế trung tâm sớm nhất về chính trị, văn hóa và Phật giáo của đất nước.
- Di sản văn hóa phi vật thể: Bắc Ninh là cái nôi của Dân ca Quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Sau khi dự kiến hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tỉnh mới sẽ mang tên Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính ở Bắc Giang
- Truyền thống khoa bảng: Bắc Ninh tự hào là vùng đất sản sinh ra nhiều trạng nguyên, tiến sĩ hơn bất kỳ địa phương nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thể hiện tinh thần hiếu học và truyền thống văn hóa lâu đời.
Thương hiệu mạnh trong thời kỳ hiện đại: Bắc Ninh đã xây dựng được một thương hiệu mạnh mẽ, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh hiện là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước, thu hút nhiều tập đoàn toàn cầu như Samsung, Foxconn, Canon, Amkor.
- Định hướng phát triển hiện đại: Bắc Ninh được quy hoạch là một đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm logistics và dịch vụ tài chính quan trọng của miền Bắc.
Việc sử dụng tên gọi Bắc Ninh cho tỉnh mới được kỳ vọng sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời thể hiện chiều sâu văn hóa - lịch sử, mang ý nghĩa thiêng liêng và cội nguồn.
Tại sao trung tâm chính trị - hành chính được đặt tại Bắc Giang?
Quyết định đặt trung tâm chính trị - hành chính tại thành phố Bắc Giang được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố khách quan và mang tính chiến lược:
- Lịch sử và vai trò trung tâm: Thành phố Bắc Giang đã từng là thủ phủ của tỉnh Hà Bắc trong hơn 33 năm, trước khi tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vào năm 1997. Điều này cho thấy Bắc Giang đã có kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng phù hợp để đảm nhận vai trò trung tâm.
- Giao thoa văn hóa: Bắc Giang là trung tâm văn hóa, nơi giao thoa giữa văn hóa Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh và Việt Yên, Hiệp Hòa - Bắc Giang) và văn hóa các dân tộc ít người (Tày, Nùng các vùng Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động của Bắc Giang). Việc đặt trung tâm chính trị - hành chính tại đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa, hòa nhập văn hóa, bảo vệ sự đa dạng văn hóa cộng đồng.
- Vị trí địa lý thuận lợi: Thành phố Bắc Giang nằm ở vị trí trung tâm, thuận lợi về giao thông, giúp kết nối dễ dàng với tất cả các địa phương trong tỉnh mới, với khoảng cách từ 40-70km. Nếu trung tâm được đặt ở thành phố Bắc Ninh, khoảng cách này có thể lên đến hơn 90km.
- Cơ sở hạ tầng hiện có: Bắc Giang hiện có hai tòa trung tâm hành chính (16 tầng) và vừa xây dựng xong thêm một tòa mới 21 tầng, cùng với quảng trường rộng, đáp ứng nhu cầu làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội. Trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Thành phố Bắc Giang cũng mới xây dựng và đưa vào sử dụng trụ sở Thành ủy, UBND thành phố với hai tòa nhà lớn, có trung tâm hội nghị riêng và quảng trường.
Sau 28 năm cùng tách ra từ tỉnh Hà Bắc, cả Bắc Giang và Bắc Ninh đều đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Bắc Ninh: Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 232,8 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,03%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 150,5 triệu đồng/người (tương đương 6.010 USD/người), gấp 1,3 lần bình quân cả nước.
- Bắc Giang: Diện tích tự nhiên 3.895,89 km2, dân số 2.057.918 người. Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 207 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,87%, đứng đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 4.370 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 60 tỷ USD. Tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp đã được thành lập.
Việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang được xem là phù hợp với yếu tố lịch sử, văn hóa, quy mô, cơ cấu kinh tế và định hướng phát triển. Cả hai tỉnh có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa do có chung nguồn gốc lịch sử, từng được tách ra, nhập vào qua nhiều giai đoạn. Đề án sáp nhập này được kỳ vọng sẽ tạo ra một đơn vị hành chính mạnh hơn, có khả năng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cả hai địa phương.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)