Ấn Độ có dân số 1,2 tỷ người. Đây cũng là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Ấn Độ còn là quốc gia đa dạng văn hóa, với nhiều dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ.
Nhưng sự tôn sùng đối với vàng chạm tới mọi người, bất kể tôn giáo hay tuổi tác. Các cửa hàng vàng xuất hiện khắp nơi, từ những thành phố lớn cho tới những ngôi làng nghèo nhất.
Giá trị của vàng là do sự quý hiếm. Và đó là kim loại dễ uốn nhất trên trái đất, khiến nó trở thành lý tưởng để làm trang sức và vàng miếng. Người Ấn Độ thích mua vàng và ghét bán nó.
Những người giàu đương nhiên sẽ có tiền mua vàng, nhưng những phụ nữ sống ở khu ổ chuột, trong những căn nhà dột nát cũng có thể đeo rất nhiều vàng. Tại sao lại như vậy?
Những người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp, điều kiện kinh tế khó khăn và ở trong những khu nhà ổ chuột cũng cố gắng có những bộ trang sức lấp lánh bằng vàng, đây là truyền thống ở Ấn Độ. Nhưng có một sự thật rằng, hầu hết những bộ trang sức có màu giống như vàng này đều không phải là vàng. Những người phụ nữ ở khu ổ chuột, họ thường đeo những bộ trang sức được làm từ gỗ, đá, nhựa và được sơn màu giống như vàng thật. Sự khác biệt không thể nhận ra bằng mắt thường, đó là lý do tại sao mọi người thường thấy phụ nữ ở những khu ổ chuột cũng có thể đeo rất nhiều vàng trên người.
Sự phân cấp giàu nghèo ở Ấn Độ là rất lớn, và trang sức bằng vàng dường như là thước đo để mọi người có thể đánh giá sự giàu có của ai đó. Thậm chí những cô gái khi đi lấy chồng, số lượng trang sức trong ngày cưới cũng là tiêu chí để đánh giá xem gia đình đó có giàu có hay không. Ngoài ra, lễ cưới cũng là thời điểm thích hợp để những những vị khách có thể diện, phô trương những bộ trang sức lấp lánh của mình.
Niềm đam mê vàng của người Ấn Độ cũng giống như tình yêu dành cho tôn giáo vậy. Không chỉ là một biểu tượng của sự giàu có và địa vị, vàng còn là một phần của tín ngưỡng và văn hoá - một truyền thống có từ hàng nghìn năm về trước.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)