Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh chưa bao giờ sở hữu hộ chiếu dù đã đến thăm hơn 230 quốc gia trong suốt những năm trị vì của mình. Câu trả lời cho đặc quyền này chính bởi tất cả hộ chiếu của người Anh đều được cấp dưới tên của Nữ hoàng.
Nữ hoàng Anh là người phụ nữ duy nhất có đặc quyền đi khắp nơi trên thế giới mà không cần dùng hộ chiếu.
Trên trang đầu của cuốn hộ chiếu Anh ghi rõ: "Nhân danh Nữ hoàng Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho phép người giữ hộ chiếu được qua lại tự do mà không bị cản trở và nhận đầy đủ sự hỗ trợ, bảo hộ khi cần thiết". Bởi vậy, việc bà phải sở hữu một cuốn hộ chiếu là không cần thiết.
Năm 20 tuổi, Nữ hoàng lần đầu tiên rời khỏi quê hương khi tới thăm Nam Phi trong chuyến du lịch kéo dài 4 tháng cùng cha mẹ là Thái tử Albert (sau khi đăng cơ lấy hiệu là Vua George VI) và Công nương Elizabeth Bowes - Lyon.
Suốt thời gian trị vì hơn 70 năm của mình, Nữ hoàng đã đi vòng quanh thế giới nhiều lần, đến thăm hầu hết các vùng lãnh thổ. Đặc biệt, bà đã tới thăm mọi quốc gia trong Khối Thịnh vượng Chung, ngoại trừ Cameroon và Rwanda nhằm củng cố các mối quan hệ, thúc đẩy thiện chí. Theo thống kê, điểm đến nước ngoài thường xuyên nhất của Nữ hoàng là Canada, nơi bà đã tới thăm hơn 20 lần. Tiếp theo là Australia với 16 lần, New Zealand 10 lần và Jamaica 6 lần. Sau lần xuất ngoại vào năm 2015, Nữ hoàng không ra nước ngoài thêm lần nào nữa vì lý do sức khỏe. Các chuyến đi được bà giao lại cho con cháu mình là Thái tử Charles, Hoàng tử William, Hoàng tử Harry thực hiện.
Nữ hoàng băng hà vào ngày 8/9/2022, hưởng thọ 96 tuổi.
Chỉ cần một quốc gia công nhận bản sắc dân tộc Anh thì quốc gia đó phải công nhận danh tính của Nữ hoàng. Vì vậy, khi Nữ hoàng ra nước ngoài, bà chỉ cần lộ mặt mà không cần giấy tờ tùy thân trong đó có hộ chiếu. Suy cho cùng, trên thế giới có lẽ ít người không nhận ra khuôn mặt của Nữ hoàng. Ngoài đồng bảng Anh, khuôn mặt của Nữ hoàng còn xuất hiện trên một số loại tiền tệ như Đô la Canada, đô la Úc, đô la New Zealand, đô la Quần đảo Cayman...
Tại sao tiền của các nước này lại in hình Nữ hoàng? Vì đều là các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung nên Nữ hoàng Anh cũng là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa của các quốc gia này.
Các quốc gia thành viên Khối thịnh vượng chung đàm phán và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại, tài chính, quốc phòng, giáo dục, công nghệ, nghiên cứu khoa học, luật, y học và nông nghiệp.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)