Truyền thống từ thời phong kiến
Việc hành hình tử tù vào Giờ Ngọ ba khắc sau mùa thu thực ra không phải là một truyền thống ngay từ đầu mà được hình thành và phát triển qua các triều đại. Đầu tiên, cần phải hiểu rằng Trung Quốc là một quốc gia nông nghiệp. Trong thời kỳ cổ đại, năng suất lao động thấp và phương pháp lưu trữ lương thực kém hiệu quả, nên mỗi năm người dân chỉ thu hoạch đủ lương thực cho năm đó. Do đó, mùa vụ rất quan trọng và mọi hoạt động khác, kể cả chiến tranh hay hành hình, đều phải điều chỉnh để không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Sự phát triển của truyền thống
Vào thời Xuân Thu, các chư hầu quốc phải cân nhắc thời gian để không ảnh hưởng đến mùa vụ. Điều này dẫn đến việc các cuộc chiến tranh thường diễn ra sau mùa thu, khi mùa màng đã được thu hoạch. Truyền thống này được tiếp nối và phát triển qua các triều đại sau. Đến thời nhà Tần, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, nhưng ông vẫn giữ nguyên truyền thống này như một cách để khuyến khích nông dân tích cực sản xuất.
Từ tục lệ đến quy định pháp luật
Trong suốt thời kỳ Tây Hán, việc hành hình tử tù sau mùa thu chỉ là một tục lệ, chưa phải là quy định pháp luật. Đến thời Đường và Tống, việc này mới trở thành một quy định chính thức, thời điểm hành hình cũng được cố định vào Giờ Ngọ ba khắc. Người xưa tin rằng, thời điểm này là lúc dương khí mạnh nhất trong ngày, có thể trung hòa với âm khí của việc hành hình, từ đó giảm bớt oán khí và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực về sau.
Lý do thực tế và cảnh báo
Ngoài các lý do về tín ngưỡng và phong thủy, việc chọn thời điểm Giờ Ngọ ba khắc sau mùa thu còn có ý nghĩa thực tế. Thời điểm này, thông tin được lan truyền rộng rãi nhất trong xã hội nông nghiệp. Sau mùa thu hoạch, người dân có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn và có thể tham gia xem hành hình. Điều này giúp tăng cường tính răn đe của pháp luật, đồng thời củng cố quyền lực của triều đình.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)