Những giải thích dân gian về “Con gái rượu”
Một số người cho rằng, cách gọi “con gái rượu” xuất phát từ thói quen của các ông bố. Theo đó, các ông thường có thói quen uống rượu và thường xuyên nhờ con gái đi mua hộ. Trong gia đình, con gái thường được xem là người chu đáo, sẵn lòng giúp đỡ bố hơn là con trai. Ngược lại, con trai thường được cho là lười biếng, khó sai vặt, thậm chí còn có thể lén uống rượu của bố. Trong khi đó, vợ lại là người không muốn chồng mình uống rượu quá nhiều.
Đây chính là lý do người xưa gọi “Con gái rượu” chứ không phải gọi “Con trai rượu” (Ảnh minh hoạ)
Một cách giải thích khác mang tính hình tượng hơn. Theo đó, các ông bố rất quý trọng rượu, đồng thời cũng yêu thương con gái hết mực. Do đó, họ ví cô con gái yêu quý của mình như một thứ rượu ngon, quý hiếm. Thêm vào đó, khi con rể đến hỏi vợ hay đến thăm nhà, việc mang theo rượu ngon để biếu bố vợ là một phong tục phổ biến. Vì vậy, nhiều người cho rằng điều này cũng góp phần tạo nên cách gọi “con gái rượu” quen thuộc.
Nguồn gốc sâu xa từ "Nữ nhi tửu"
Tuy nhiên, một giả thuyết khác, mang tính học thuật hơn, cho rằng khái niệm “con gái rượu” thực chất là biến thể từ một từ gốc Hán Việt: “nữ nhi tửu”. Theo đó, trong cuốn “Nam Phương thảo mộc trạng” của danh sĩ Kê Hàm thời nhà Tấn (Trung Quốc), có một điển tích thú vị về loại rượu “nữ nhi tửu”. Sách ghi lại rằng, “Người Nam có con gái lớn vài tuổi đã bắt đầu nấu lọc rượu, đựng trong bình hũ kín, đem chôn ở bờ ao. Khi con gái sắp lấy chồng, người ta mới đào ao lấy rượu lên đãi khách, gọi là nữ nhi tửu, vị rất đằm và ngon.” “Nữ nhi tửu” được coi là loại rượu quý, thường chỉ có ở những gia đình giàu có, đặc biệt là những gia đình có con gái.
Một câu chuyện khác liên quan đến “nữ nhi tửu” được lưu truyền ở Trung Quốc kể rằng: Vào thời Tống, một người thợ may ở Thiệu Hưng (Chiết Giang) đã thuê người nấu 20 hũ rượu nếp lớn để ăn mừng ngày đầy tháng của đứa con mà anh ta hy vọng là con trai. Tuy nhiên, khi vợ sinh con gái, anh thất vọng và quyết định chôn phần lớn số rượu đó dưới gốc cây hoa mộc trong vườn.
(Ảnh minh hoạ)
Nhiều năm sau, cô con gái trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh và khéo léo. Cô đã giúp cha quản lý cửa hàng, khiến việc kinh doanh ngày càng phát đạt. Lúc này, người cha mới nhận ra con gái mình là một báu vật. Đến ngày cưới của con gái, do khách quá đông, rượu trong nhà hết, người cha mới nhớ đến số rượu đã chôn năm xưa. Khi mở hũ rượu, một mùi thơm ngào ngạt lan tỏa. Mọi người đều tấm tắc khen rượu ngon, và từ đó, rượu được gọi là “nữ nhi tửu”.
Từ câu chuyện này, “nữ nhi tửu” dần trở thành một phần không thể thiếu trong các lễ hội ở Thiệu Hưng. Các gia đình có con gái sẽ chôn rượu để dành đãi khách trong đám cưới, và nhờ vậy, vùng đất này được biết đến với loại rượu ngon nức tiếng.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)