Hôm nay (1/1) ở Việt Nam và các nước trên thế giới đón năm mới 2024 trong không khí rộn ràng với những màn pháo hoa rực rỡ và các lễ diễu hành ngoài trời. Nhiều người dân đổ ra đường để chào đón năm 2024 nhiều tài lộc, may mắn.
Dù ai cũng nô nức chào đón năm mới nhưng nguồn gốc thực sự của ngày này không phải ai cũng biết.
Lần đầu tiên ngày 1/1 được coi là ngày bắt đầu Năm mới là vào năm 45 trước Công nguyên. Trước đó, lịch La Mã bắt đầu vào tháng 3 và kéo dài 355 ngày. Sau khi lên nắm quyền, Hoàng đế La Mã Julius Caesar đã ban quyết định thay đổi cách tích lịch. Hoàng đế muốn tôn vinh thánh Janus của tháng 1 - vị thần đại diện cho sự khởi đầu của người La Mã, có hai khuôn mặt, cho phép ông nhìn về tương lai cũng như quá khứ - nên đã chọn ngày 1/1 làm ngày đầu tiên của năm.
Tuy nhiên, ngày này không được hưởng ứng rộng rãi ở châu Âu cho đến tận giữa thế kỷ 16. Sau khi Kitô giáo du nhập, ngày 25/12 - ngày sinh của Chúa Giêsu - được đón nhận và ngày 1/1 - ngày bắt đầu năm mới - bị coi là ngoại đạo. Mãi cho đến khi Giáo hoàng Gregory thay đổi lịch Julian để biến ngày 1/1 thành ngày chính thức bắt đầu một năm thì nó mới được chấp nhận.
Ngoài ra, người ta cho rằng con người đã bắt đầu tổ chức đón Năm mới từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, hay hơn 4.000 năm trước ở Babylon cổ đại. Vào ngày trăng non đầu tiên sau ngày xuân phân, thường là vào cuối tháng 3, người Babylon ăn mừng Năm mới bằng lễ kỷ niệm kéo dài 11 ngày gọi là Akitu, với mỗi ngày một buổi lễ riêng biệt.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã chấp nhận ngày 1/1 là ngày đầu tiên của năm mới. Tết Dương lịch thường được tổ chức một cách trang trọng như tổ chức diễu hành, bắn pháo hoa vào lúc 0h ngày 1/1,... Song song đó, đây cũng là ngày mọi người được nghỉ để chào đón một năm mới tươi sáng hơn.
Các phong tục đón Tết Dương lịch “kỳ lạ”:
Đan Mạch
Đối với người dân phương Đông, cũng như người Việt Nam chúng ta, thì dịp năm mới rất kỵ chén, đĩa vỡ vì đây được xem là điềm xui. Tuy nhiên, vào Tết Tây tại Đan Mạch, phong tục chào đón năm mới lại là đập vỡ những chiếc đĩa cũ. Người Đan Mạch sẽ giữ lại những chiếc đĩa đã cũ, sau đó mang đến nhà người thân và bạn bè rồi đập vỡ đĩa vào đêm 31/12. Người ta cho rằng căn nhà nào có càng nhiều bát đĩa vỡ thì năm tới sẽ gặp càng nhiều may mắn.
Nam Phi
Cụ thể lại tại thành phố Johannesburg của Nam Phi có một truyền thống chào mừng năm mới khá giống với Đan Mạch, thế nhưng thay vì ném đĩa thì người dân sẽ ném đồ đạc đã cũ như: tủ lạnh, ghế sofa, bàn… qua cửa sổ đề chào đón sự đổi mới.
Phần Lan
Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới. Phong tục đón Tết Dương lịch của đất nước này cũng khá độc đáo. Trong đêm giao thừa, người Phần Lan sẽ nung chảy một miếng thiếc nhỏ, rồi đổ vào cốc nước. Họ tin rằng hình dạng miếng thiếc tạo thành sẽ dự đoán cho tương lai của chủ nhân. Nếu mảnh thiếc có hình trái tim thì là dấu hiệu của hôn lễ, nếu là con thuyền thì báo hiệu cho các chuyến đi, còn hình con lợn mang ý nghĩa gia đình sẽ rất sung túc trong năm tới…
Đức
Trước giao thừa 15 phút, người Đức sẽ ngồi yên ở trên ghế. Lúc chuông đồng hồ điểm thời khắc qua năm mới, họ sẽ bước xuống ghế và ném một vật nặng ra phía sau, ngụ ý quăng đi những tai họa, xui xẻo của năm cũ. Người Đức cũng có tập tục nhỏ một giọt kim loại nóng chảy vào nước lạnh và dự đoán tương lai tương tự như người Phần Lan.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)