Phích nước là một đồ vật thông dụng dùng để đựng nước nóng. Phích có nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau. Loại nhỏ chứa được khoảng 0,5L, loại lớn chứa được 2L hoặc 2,5L. Phích có thể giữ nước ở nhiệt độ từ 80 độ đến 90 độ trong khoảng một ngày.
Phích nước được phát minh bởi nhà bác học Duwur. Ông đã cải tiến chiếc máy dùng để đo nhiệt lượng của một vật nên được gọi là nhiệt lượng kế, vì chiếc máy của Newton cồng kềnh, nhiều bộ phận nên bảo quản và làm vệ sinh khó khăn trong điều kiện phòng thí nghiệm. Để thực nghiệm chính xác, yêu cầu của nhiệt lượng kế là cách ly tối đa giữa nhiệt độ bên trong bính và môi trường bên ngoài. Từ đó, người ta chế tạo thành công loại bình có khả năng cách ly nhiệt, dùng cho giữ nước nóng.
Cấu tạo vỏ:
Vỏ, quai xách, nắp, thân và đáy. Vỏ phích thường được làm bằng nhôm, nhựa hoặc sắt tráng men in hoa hay hình chim, hình thú rất đẹp. Lớp vỏ còn tiện ích như đáy bằng giúp đặt vững vàng, có quai bằng nhôm hay nhựa giúp cầm và xách khi di chuyển.
Nắp phích bằng nhôm, nhựa có lớp cách nhiệt để chống mất nhiệt do đối lưu.
Cấu tạo ngoài:
Ruột phích được cấu tạo bởi hai lớp thuỷ tinh, ở giữa là khoảng chân không. Ngoài ra, bên thành trong của 2 lóp còn được tráng bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt, giúp ngăn sự truyền nhiệt ra bên ngoài (tráng ở thành trong để không bị trầy lúc co xát cũng như không làm ảnh hưởng nước đựng bên trong). Vì là thủy tinh nên rất mỏng và dễ vỡ, chính vì vậy mà ta cần tới lớp vỏ để bảo vệ.
Ruột phích là phần quan trọng nhất nên khi mua phích cần lựa chọn thật kĩ. Mang ra chỗ sáng, mở nắp phích ra, nhìn từ trên miệng xuống đáy thấy có điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí. Điểm đó càng nhỏ thì van hút khí càng tốt, sẽ giữ được nhiệt độ lâu hơn. Úp miệng phích vào tai nghe có tiếng o o là tốt.
Tuy nhiên, ruột phích truyền nhiệt kém, sự thay đổi nhiệt đột ngột như đổ nhanh nước nóng vào khi bình đang nguội lạnh, hay đổ nước lạnh vào khi bình đang nóng, đều có thể làm cho bình bị nổ.
Mẹo sử dụng phích để có hiệu quả tốt, bền và an toàn nhất, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra
Chọn mua phích
Khi chọn mua phích, trước tiên bạn nên chọn để có được hình ảnh trang trí và màu sơn vừa ý. Sau đó, bạn thử mở nút bấc của phích nước, nếu nút bấc bị hút nhẹ là tốt. Sau cùng, bạn mở nút ra và ghé tai nghe ở miệng bình, nếu nghe thấy trong phích có tiếng o o là bình tốt. Mua phích nước nên kiểm tra cẩn thận bên trong.
Vệ sinh phích nước nóng mới mua trước khi sử dụng
Phích nước nóng mới mua bạn không nên sử dụng ngay mà cần phải tiến hành vệ sinh chúng trước khi cho nước nóng vào bảo quản. Cụ thể, để làm sạch ruột phích, bạn hãy dùng một chút nước rửa chén và miếng vải mềm để loại bỏ bụi bẩn, sau đó súc lại nhiều lần với nước ấm để gỡ bỏ hoàn toàn xà phòng. Khi tiến hành súc rửa phích để ý không sử dụng các vật sắc, nhọn vì chúng có thể làm hỏng lớp tráng giữ nhiệt.
Với vỏ ngoài của phích, bạn nên dùng vải mềm có thấm xà phòng và nhẹ nhàng lau sạch. Khi vệ sinh phần nắp phích cần để ý làm sạch phần gioăng và các kẽ hở, vì đây là vị trí dễ bám bẩn nhất. Trước khi sử dụng đựng thức uống, bạn có thể cho nước ấm hoặc sử dụng giấm ăn vào ngâm trong phích và để qua đêm giúp gỡ bỏ mùi hôi của phích mới.
Cách sử dụng phích nước nóng trong lần đầu tiên
Bình mới mua về, sau khi rửa sạch, để ráo nước mới đổ nước nóng vào, khi đổ lần đầu hay với một bình đã lâu không sử dụng phải đổ từ từ, tốt nhất là chỉ đổ một ít, đậy nắp lại, vài phút sau mới đổ tiếp. Sáng sáng, đổ hết nước cũ ra, tráng qua cho sạch hết cặn còn đọng lại trong lòng phích rồi mới rót nước sôi vào, đậy nắp thật chặt.
Muốn phích giữ được nước nóng lâu hơn, không nên rót đầy
Đây là lý do các chuyên gia khuyên bạn nên chừa một khoảng trống giữa nước sôi và nắp phích. Mục đích là để cách nhiệt giúp nước nóng được lâu hơn vì hệ số truyền nhiệt của nước lớn hơn không khí gần 4 lần. Cho nên nếu rót đầy, nhiệt dễ truyền ra vỏ phích nước nhờ môi giới của nước. Nếu có một khoảng trống không khí sẽ làm cho nhiệt truyền chậm hơn.
Cách vệ sinh ruột phích an toàn
Vệ sinh vỏ phích bên ngoài khá dễ dàng nhưng làm sạch ruột phích dùng lâu ngày bị cáu bẩn bám vào thì phức tạp hơn và không phải ai cũng biết. Cách làm cho bạn là đổ vào ít giấm nóng, đậy chặt nắp lại, lắc nhẹ rồi ngâm trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, giấm sẽ làm cho các lớp cặn bám trong lòng phích bong ra. Sau đó bạn đổ hết nước giấm ra, các chất bẩn kết tủa, vết bám sẽ ra theo. Cuối cùng bạn tráng rửa sạch lại bằng nước nóng là xong.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng gạo hoặc trà xanh làm sạch ruột phích nước bằng cách dùng một nắm gạo tẻ chưa vo/1 nắm lá trà xanh tươi bỏ vào trong phích, sau đó cho nước sôi vào và để ngâm trong khoảng 12 tiếng. Hết 12 tiếng, bạn đổ cả nước cả gạo/trà xanh ra, rồi dùng nước nóng tráng lại vài lần cho sạch. Với những cách làm này chắc chắn ruột phích nhà bạn sẽ sạch bong, sáng bóng như mới và giữ được nhiệt tốt hơn gấp nhiều lần.
Luôn để xa tầm tay trẻ em
Nhiều gia đình có thói quen để phích nước dưới gầm bàn hoặc cạnh bàn là hoàn toàn không nên. Việc này rất nguy hiểm, bởi nếu để gần tầm với của trẻ thì trẻ sẽ mở và làm đổ bất cứ lúc nào. Nếu để cao hơn nhưng vẫn trong tầm với của trẻ thì càng nguy hiểm hơn vì trẻ với phích nước bị đổ có thể gây bỏng toàn thân.
Với những gia đình có trẻ nhỏ thì nguyên tắc này cực kỳ quan trọng nhằm giữ an toàn cho các bé, bởi trẻ luôn tò mò và thích khám phá. Những vật dụng trong gia đình nếu ở trong tầm ngắm của các bé thì chúng có thể chạm vào bất cứ lúc nào.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)