Tết Nguyên Đán là dịp mọi người đoàn tụ, tận hưởng những phút giây thư giãn, hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, cuộc sống đâu ai lường trước điều gì, có những lúc thăng trầm buồn vui lẫn lộn. Nên nhiều người gặp phải chuyện buồn thắc mắc khóc vào ngày mùng 1 tết có sao không?
Theo quan niệm dân gian, những hành động trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, khóc vào ngày mùng 1 tết có sao không thì nếu ngày đầu năm liên tục có những chuyện buồn khiến bạn phải khóc, rất có thể cả năm bạn sẽ phải chịu đựng những chuyện không vui. Thế nên, nếu gặp hoàn cảnh không vui, bạn hãy cố gắng kìm chế cảm xúc và cố gắng phớt lờ nó để hưởng thụ một năm mới trọn vẹn niềm vui bên người thân, bạn bè, gia đình. Hoặc bạn cũng đừng nên lo lắng quá, vì quan niệm tâm linh không phải lúc nào cũng xảy ra, như xem bói không phải lúc nào cũng đúng. Nên nhớ “vạn sự tại nhân”, chính niềm tin vào sự lạc quan, tích cực sẽ giúp bạn tránh khỏi muộn phiền trong cả năm.
Ngoài ra, mùng 1 Tết nên kiêng gì?
Những điều tối kỵ dưới đây là điều mà các gia đình không nên phạm vào những ngày đầu năm, xuất phát từ quan niệm từ xưa trong dân gian để tránh việc ốm đau, xui rủi, tiêu hao tiền tài, gia đình bất hòa.
Kiêng nói chuyện xui
Theo dân gian lưu truyền, những gì được nói vào ngày đầu tiên của năm sẽ ảnh hưởng đến quan niệm về những gì sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, mỗi câu nói trong ngày Tết phải hết sức thận trọng, tránh dùng những từ xui xẻo, những từ không hay, chửi thề nói tục, thậm chí là nói đùa cũng nên tránh. Không nên dùng những từ kém may mắn như “chết mất” hay “tiêu rồi”, “hỏng rồi”… Không chỉ nói mà viết những dòng “khai bút đầu năm” bạn cũng chỉ nên viết ra những lời tốt đẹp, tránh viết nên những điều tiêu cực, đau buồn.
Kiêng quét nhà
Theo sự tích thời xưa lưu truyền, nếu quét nhà vào 3 ngày đầu năm thì cả năm sẽ nghèo khó, khánh kiệt. Nếu thực sự cần phải quét nhà thì nên gom rác ở một góc nhà mà không vứt bỏ đi.
Kỵ cho nước, cho lửa
Theo dân gian, rất kỵ khi ngày Tết hàng xóm đến xin lửa hay nước nhà mình. Với quan niệm lửa màu đỏ tượng trưng cho sự ấm cũng, may mắn, nên nếu cho người khác cái may mắn trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều xui rủi như làm ăn thua lỗ, gia đình bất hoà, ra đường hay gặp tai vạ. Ngoài ra, cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước được ví như nguồn tài lộc, nguồn công năng cho gia đình. Nếu cho nước thì sẽ bị mất tài lộc.
Kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm
Không nên vay mượn, cho vay tiền hay đồ đạc trong ngày đầu năm, vì như vậy cả năm gia đình sẽ túng thiếu. Điều kiêng kỵ này là do người ta tin rằng khi mọi người mở cửa đón may mắn vào nhà ngày đầu năm, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc vào tay khác. Người cho vay kiêng, người đi vay cũng phải kiêng nếu không muốn chịu cảnh phải đi “ăn xin” cả năm.
Kiêng ăn các loại thức ăn mang cái tên xui rủi như thịt chó, tôm, cá mè, vịt, chuối,…
Trong dịp Tết Nguyên đán, có những món ăn khác nhau được coi là điều cấm kỵ ở các vùng khác nhau khắp cả nước. Tuy nhiên, để tránh xui xẻo cả năm, người dân vẫn tránh ăn mực, thịt chó và những thức ăn cay đắng. Ngoài ra, miền nam còn kị ăn tôm vì loài vật này có đầu to, chứa phân lại có cách đi giật lùi về sau tượng trưng cho sự thụt lùi, ngu dốt, không phát triển được. Nhiều nơi còn kị ăn quả sầu riêng vì cái tên ẩn chứa việc không được tốt lành, ám chỉ sự xui rủi, nỗi phiền muộn, u sầu, khổ hạnh.
Kỵ làm hỏng hoặc làm vỡ đồ đạc
Ông bà, tổ tiên cho rằng làm vỡ đồ là điềm không lành cho gia đình bạn trong năm mới. Điều đó có nghĩa là bạn không hạnh phúc và gia đình bạn sẽ chia ly, bất hoà.
Kỵ ăn đuôi cá
Khác với thịt bò, gà hay lợn, cá có độ ngọt và hấp dẫn rất riêng, ngày Tết bạn có thể thoả thích ăn nhiều mà không lo béo. Trong tiếng Trung, từ “ngư” được phát âm là “yu”, đồng âm với từ “dư” trong dư dả, vì vậy ăn cá tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng trong năm tới. Ở miền Bắc, người ta tin rằng ăn cá chép sẽ giúp họ có một năm “vượt vũ môn hoá rồng”, nhanh chóng giàu có. Nếu ăn cá chép trong 3 ngày đầu năm mới, bạn sẽ gặp nhiều may mắn trong học hành và thăng tiến. Tuy nhiên, người ta thường tránh ăn đuôi cá ngày đầu năm mới để tránh việc “xếp hạng chót” hay túng thiếu, khổ sở.
Kỵ vấp ngã hay bị thương
Trong dịp Tết, mọi người nhất là trẻ em cần cẩn thận khi đi lại vì điều này sẽ giúp tránh tai nạn và xui xẻo cho cả năm. Khi người lớn bị trượt chân hay vấp ngã cũng tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.
Kỵ quàng hoặc vỗ vai người khác khi không cần thiết
Cẩn thận khi quàng vai hay vỗ vai người khác trong những ngày đầu năm mới rất có thể gây ra sự khó chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Một số người tin rằng nếu bạn chạm vào vai người khác có nghĩa là người đó đang buồn bã cần an ủi, cả năm họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình.
Kỵ giặt giũ trong 3 ngày Tết
Để tránh gặp xui xẻo, bạn không nên giặt quần áo vào ngày mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng âm lịch, vì theo quan niệm đây là ngày sinh của thần Thủy.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
Ngày đầu năm mới người ta thường mở cửa nhà để đón tài lộc vào nhà nên việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động cản trở tài lộc, gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Cấm kỵ chụp hình hoặc chúc Tết người đang ngủ
Theo quan niệm dân gian, việc nằm ngủ được xem là tư thế của người bệnh, người chết. Do đó, nếu chụp hình hay chúc Tết người đang ngủ vô hình dung lại “rủa” người đó bệnh tật, mất mạng,… Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ trong dịp Tết nhất là ngày mùng 1.
Trên đây là một số điều bạn cần kiêng kị trong những đầu năm mới theo quan điểm dân gian. Nếu bạn là người làm ăn thì lại càng nên tránh những điều trên để đảm bảo cuộc sống và công việc được thuận buồm xuôi gió, tấn tài tấn lộc.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)