Vào dịp rằm mùng một, ngày Tết, cúng khai trương, lễ hội thì thịt lợn, thịt gà là hai vật phẩm thường có trong mâm cúng để dâng lên Tổ tiên, đặc biệt gà. Vào dịp cuối năm cúng ông Công ông Táo thì có thêm cá chép. Tuy nhiên, cũng có người thắc mắc tại sao ngan, vịt, trâu, bò, chó, lại không xuất hiện trong đồ cúng (trừ một số món ăn xào thịt bò thịt trâu, khi dâng cúng mâm cơm thì có thể có thịt bò).
Vì sao lại chọn gà, lợn?
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng truyền thống xa xưa, người Việt nuôi trâu bò để làm công cụ lao động. Luật cấm ăn thịt trâu, bò được triều đại Lý - Trần ban hành và tiếp tục tới triều Nguyễn. Hơn nữa trâu bò to lớn giá trị cày cấy tạo ra tiền, và không phải lúc nào cũng có thịt, chỉ khi trâu bò hết sức kéo, hoặc đại hội hợp tác xã mới có ngả trâu bò thịt cho xã viên ăn.
Bởi thế thấm sâu trong truyền thống từ xa xưa tổ tiên cha ông ta chỉ có miếng thịt gà, miếng thịt lợn thắp hương. Ngày ông Công thì quan trọng cá chép. Có lẽ do đó ăn sâu vào tiềm thức tạo thành truyền thống truyền đời là mâm cúng không có thịt trâu bò. Còn ngan, vịt cũng không phải là thực phẩm phổ biến.
Hơn nữa thịt lợn và gà gắn liền với đời sống tâm linh. Gà, đặc biệt gà trống gọi mặt trời, được xem là linh vật kết nối con người và thần linh. Gà trống cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới nên cần có trong lễ cúng giao thừa năm mới. Gà trống mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, mang đặc trưng của người đàn ông đủ văn võ trí dũng tín. Trong khi đó ngan, vịt không có ý nghĩa phong thủy này như gà dù cùng họ gia cầm nên không được chú trọng để cúng tế. Ngan vịt cũng không mang ý nghĩa oai phong như gà nên không thể thành vật hiến tế dâng cúng vì sẽ không thể hiện được sự tôn nghiêm.
Còn lợn là vật nuôi trong nhà cũng gần gũi với thực phẩm của người Việt. Lợn gắn liền với tích thần tài thích ăn lợn quay. Lợn sinh con đàn đông đúc, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, tài lộc dồi dào, may mắn no đủ. Bởi thế lợn thường xuất hiện trong nhiều lễ cúng, có thể luộc miếng thịt trong tuần rằm, heo quay phải có trong lễ vía Thần Tài, heo cả con hoặc thủ heo trong lễ cưới hỏi, hội đình làng, khai trương, động thổ, thôi nôi, đầy tháng...
Hơn nữa gà, lợn cũng là những loại thịt không có mùi nặng như ngan, vịt, trâu, bò chó nên là thực phẩm phổ biến hơn và khi làm đồ cúng cũng dễ thể hiện sự trang trọng hơn. Lợn gà dâng lên gia tiên làm món ăn thì cũng là những loại thịt phổ biến gần như không gây dị ứng. Trong khi đó trâu bò chó ngan, vịt thì nhiều người không ăn được, nên đặt lên ban thờ nhiều thần, nhiều vị gia tiên tiền tổ có thể không hợp lý.
Chính vì những yếu tố trên mà ăn sâu vào truyền thống người Việt chú trọng gà, lợn trong mâm cúng chứ không dùng cúng chó, trâu, bò ngan, vịt.
Thịt vịt ngan không phải món ăn phổ biến để trên bàn thờ gia tiên.
Nếu cúng thì có được không?
Theo quan niệm truyền thống thì ngan, vịt, bò, trâu, chó không mang biểu trưng phong thủy và tâm linh kết nối nên không dùng cúng mang ý nghĩa linh vật. Tuy nhiên nếu khi dâng mâm cơm cúng, trong đó có các món làm từ thịt bò, trâu, ngan, vịt đặt trên đĩa thì chúng xem như một món ăn dâng gia tiên, chứ không mang ý nghĩa linh vật, nên không có ảnh hưởng về tài lộc tâm linh. Tuy nhiên riêng thịt chó là một món ăn khá nặng mùi, và không phải ai cũng ăn được thịt chó nên khi đặt lên mâm cúng cũng cần cẩn trọng.
Và tốt nhất những thứ đã thuộc về truyền thống thì cứ nên giữ vì những nết truyền thống đó không đối nghịch với hiện đại. Còn trong trường hợp dâng cúng với tấm lòng thành thì cũng không có gì phạm bất kính.
Món thịt chó là món nặng mùi nên không được đặt lên bàn thờ.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm.
Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)