“Dương” và “thọ”
Chữ “dương” trong “hưởng dương” là gì?
Chữ dương trong hưởng dương, là gọi tắt của hai chữ dương thọ, trong đó, dương chỉ dương gian, dương thế. Mà dương thọ lại có nghĩa là “chỉ số năm con người sống trên thế gian” [chỉ nhân tại thế gian đích thọ mệnh - Hán ngữ đại từ điển]. Theo đây, chữ dương, hay dương thọ, là số tuổi, số năm sống của một người; “hưởng dương” là hưởng số tuổi, hay số năm trên dương thế, bất kể dài hay ngắn.
Chữ “thọ” trong “hưởng thọ” là gì?
- Hán ngữ đại từ điển ghi cho thọ tới 14 nghĩa, trong đó, có một số nghĩa hữu quan như: 1. Số tuổi, niên hạn sống của một người; cũng chỉ kỳ hạn sử dụng của sự vật [niên thọ; hạn thọ. Diệc chỉ sự vật đích sử dụng kì hạn - 2. Nghĩa rộng chỉ năm, tuổi; 3. Sinh nhật; 4. Trường thọ; sống được với số tuổi cao,...
- Hán Việt từ điển (Trần Văn Chánh), giảng nghĩa thứ 2 của thọ là “tuổi đời (khoảng thời gian của đời sống)”, và lấy ví dụ “thọ mệnh - tuổi thọ”.
Theo đây, chữ thọ trong hưởng thọ, có nghĩa là “số tuổi, niên hạn sống của một người” (nghĩa 1 của Hán ngữ đại từ điển), hay “tuổi đời (khoảng thời gian của đời sống)” (nghĩa 2 của Từ điển Trần Văn Chánh), không kể dài hay ngắn, sống lâu hay mất sớm.
Vì “thọ” trong trường hợp này chỉ có nghĩa là “số tuổi”, “tuổi đời”, nên “tuổi thọ” chỉ có nghĩa là số tuổi đã sống, hoặc có thể sống, còn “trường thọ” mới có nghĩa là sống lâu. Trong một số ngữ cảnh như “Bí quyết sống thọ”, “Cả hai cụ đều thọ”, “Sống thọ nhưng phải khỏe mạnh thì mới đáng sống”, thì “thọ” ở đây mới có nghĩa là sống lâu, trường thọ.
“Hưởng dương” và “hưởng thọ”
Trong số hơn 10 cuốn từ điển tiếng Việt và từ điển Hán Việt chúng tôi có trong tay, chỉ duy nhất Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Trung tâm Từ điển học Vietlex - Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt) thu thập từ hưởng dương với lời giảng là: “đã được sống trên cõi đời [thường nói về người chết trẻ]”, và lấy ví dụ: “Bà Tư theo ra đến nơi thấy nắm đất lè tè, có dựng một bia bằng đá khắc tên Lê Thị Thơm, sinh năm 1970, hưởng dương hai mươi tám tuổi (...)”.
Mục từ “hưởng thọ”, được từ điển này giải thích là: “sống được bao nhiêu năm cho đến lúc mất [thường nói về người đã già]”, và lấy ví dụ “ông cụ hưởng thọ 80 tuổi”.
Như vậy, căn cứ vào cách giảng trong phần chính văn của Từ điển Hoàng Phê, thì hưởng dương và hưởng thọ, mang nghĩa trung tính, và chỉ khác nhau về diễn đạt, chứ không khác nhau về nội dung. Có chăng, đó là sự phân biệt về cách dùng ở phần phụ chú: hưởng dương (“thường nói về người chết trẻ”); còn hưởng thọ (“thường nói về người đã già”).
Vì sao lại có sự phân biệt “hưởng dương” và “hưởng thọ”?
Như trên đã nói, chữ thọ trong hưởng thọ không có nghĩa là sống lâu, mà chỉ có nghĩa là “số tuổi, niên hạn sống của một người”. Bởi vậy, trước kia, người ta dùng thọ, hoặc hưởng thọ để tính niên hạn đã sống của một người, mà không phân biệt là già hay trẻ (đúng như lời nhận xét của ông Phạm Tho). Điều này hãy còn được nhiều cuốn từ điển ghi nhận:
- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giảng chữ “thọ” là “đã sống được”, và lấy ví dụ: “ông cụ thọ tám mươi”; “Rồi đó vua Lê tắt thở, thọ 28 tuổi”.
- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) giảng “hưởng thọ” là “sống được” và lấy ví dụ: “Lê-nin hưởng thọ 54 tuổi”.
- Hán ngữ đại từ điển giảng “hưởng thọ” là “niên hạn tại thế, nói về năm tuổi sống trên dương thế”. (nguyên văn: hưởng hữu đích thọ mệnh, vị tại thế đích niên tuế - mà không kèm theo ghi chú là dùng cho người chết ở đội tuổi nào.
Vậy, vì sao vốn trước đây dùng từ thọ, hoặc hưởng thọ cho tất cả những người đã mất, không phân biệt già trẻ, nhưng sau lại có thêm từ hưởng dương dành cho người chết trẻ?
Ngọn nguồn của sự phân biệt này là ở chỗ, người ta hiểu lầm chữ thọ, trong “hưởng thọ”, có nghĩa là sống lâu, trường thọ. Ví như Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) giảng: “hưởng thọ" (hưởng: nhận được; thọ: sống lâu). Nói người già đã sống được bao nhiêu năm trước khi chết”.
Bởi hiểu lầm chữ thọ trong hưởng thọ là sống lâu, nên đối với người chết trẻ, người ta không dùng từ hưởng thọ (với nghĩa suy diễn thiếu chính xác là hưởng sống lâu), mà tìm ra một từ khác là hưởng dương, với nghĩa được hưởng/được sống trên dương thế bao nhiêu năm.
Có nên phân biệt “hưởng dương” và “hưởng thọ”?
Một số ngữ liệu như: “vua Lê tắt thở, thọ 28 tuổi”, hay “Lê-nin hưởng thọ 54 tuổi”, cho thấy, về nguyên tắc, người ta có thể dùng thọ, hoặc hưởng thọ như trước đây, mà không cần tính đến người quá cố ở độ tuổi bao nhiêu. Tuy nhiên, một khi từ ngữ đã có sự phát triển, biến đổi theo thực tế đời sống đã được cộng đồng chấp nhận và từ điển thu thập, thì chúng ta nên theo, để tránh rắc rối phức tạp. Đặc biệt, trong chuyện “ma chê cưới trách”, thì càng nên thận trọng để tránh lời ra tiếng vào không cần thiết (nên tham khảo giải thích và phụ chú về hưởng dương và hưởng thọ của từ điển Hoàng Phê, mà chúng tôi trích dẫn trên đây).
Bao nhiêu tuổi thì gọi là “thọ”, “hưởng thọ”?
Độ tuổi có thể gọi là thọ, và mức độ thọ, nhiều tài liệu không thống nhất về cách tính. Tuy nhiên, nếu cần có một cái mốc nào đó để làm căn cứ, thì có thể lấy cách tính thông dụng: hạ thọ (60 tuổi), trung thọ (70 tuổi); thượng thọ (80 tuổi),... Theo đây, người mất từ 60 tuổi trở lên, là có thể gọi là hưởng thọ; dưới 60 tuổi gọi là hưởng dương. Trường hợp người mất trên 50 tuổi, đã có con, có cháu, và tang quyến không muốn dùng chữ hưởng dương, thì vẫn có thể dùng chữ thọ, với nghĩa “đã sống được”, ví như: “Ông Nguyễn Văn A, mất ngày... tháng... năm..., thọ 52 tuổi”, “Bà Nguyễn Thị B, mất ngày... tháng... năm..., thọ 58 tuổi” như các cụ ta trước đây vẫn dùng.
Khi lập bia mộ, nếu không muốn dùng từ “hưởng dương”, “thọ”, hay “hưởng thọ”, kèm số tuổi cụ thể, thì chỉ cần ghi năm sinh, năm mất là được.
Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)