Chuối là một trong những loại trái cây rất giàu chất dinh dưỡng, vitamin tốt cho cơ thể. Nó có thể làm thư giãn ruột và giảm táo bón, những người bị táo bón sẽ cải thiện các triệu chứng nếu ăn chuối thường xuyên. Chuối cũng rất giàu kali, có thể làm giảm huyết áp và loại bỏ chứng phù nề. Chuối còn chứa một chất có thể kích thích não bộ và giúp con người điều chỉnh cảm xúc.
Hầu hết mọi người đều có thể ăn được chuối vì quả của nó tương đối mềm, người già và trẻ em đều có thể ăn, dễ tiêu hóa, người bụng yếu cũng có thể ăn được. Tuy nhiên, đa số mọi người chỉ ăn trái nhưng lại không hiểu rõ đặc điểm sinh trưởng của cây chuối. Bạn có biết rằng mỗi cây chuối có kích thước cao lớn như vậy nhưng cũng chỉ ra trái một lần trong một vòng đời, bạn có ngạc nhiên khi biết thông tin này không?
Nếu bạn đã từng nhìn thấy hoặc trồng cây chuối, thì bạn có thể nhận thấy cây chuối chết sau khi mang trái. Tại sao lại như vậy? Cây chuối mất khoảng 9 tháng để lớn lên và cho quả chuối, sau đó khi chuối đã được thu hoạch, cây mẹ sẽ bị đốn hạ và các chồi non khác sẽ mọc lên thế chỗ.
Cụ thể, khi cây chuối ra quả cũng là lúc các chồi non hoặc cây chuối sơ sinh, bắt đầu phát triển từ xung quanh gốc của cây mẹ. Các cây non nói trên ngày càng phát triển cao lớn biến thành những cây mới, chúng sẽ "tranh giành" chất dinh dưỡng từ trong đất để phát triển. Lúc này, để những cây chuối nhỏ xung quanh phát triển mạnh, người nông dân thường chặt bỏ những cây chuối vừa cho trái để chúng không cạnh tranh dinh dưỡng của nhau, gây "suy dinh dưỡng" cho những cây chuối nhỏ, ảnh hưởng tới sản lượng mùa vụ tiếp theo.
Vì vậy, bạn thấy đó, mặc dù cây mẹ được chặt bỏ đi nhưng nó được thay thế bằng những cây chuối con gần như ngay lập tức. Bởi vì chúng được phát triển từ thân cây mẹ, chúng sẽ giống như cây mẹ ở mọi khía cạnh. Chỉ trong vài tháng, những cây chuối con sẽ trưởng thành như cây mẹ và sẵn sàng cho bạn những nải chuối ngon ngọt khác.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)