Mười năm làm mẹ đơn thân, bà đã hy sinh tất cả cho con gái: tiền bạc, thời gian, công sức, tất cả đều đặt con lên hàng đầu. Nhưng khi con gái lớn lên, thái độ của con ngày càng xa cách, lời nói đầy bực dọc, hành động trái ngược, khiến bà đau lòng và không hiểu nổi: Tại sao mình đã làm tất cả mà con vẫn không yêu quý mình?
Câu trả lời nằm ở một thực tế: Không phải đứa trẻ nào cũng “vô ơn”, đôi khi là do cách yêu thương của cha mẹ đã sai.
Yêu thương mù quáng: Dành tất cả, lại chỉ nhận sự xa cách
Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con mình có cuộc sống tốt hơn đã không tiếc công sức, tiền bạc để nuông chiều, chiều chuộng con đến mức “hy sinh bản thân”. Nhưng sự nuông chiều không giới hạn ấy lại thường dẫn đến lòng tham không đáy của trẻ.
Sự nuông chiều không giới hạn của cha mẹ lại thường dẫn đến lòng tham không đáy của trẻ (Ảnh minh họa)
Một câu chuyện thực tế: Người mẹ một mình nuôi con gái khôn lớn. Khi con vào đại học, gánh nặng tài chính càng lớn, bà có lần chỉ nhẹ nhàng nhắc con tiết kiệm tiền, nhưng không ngờ lại nhận về lời trách móc cay nghiệt: “Nuôi không nổi thì sao không để con cho bố nuôi?”.
Từ đó, bà càng im lặng, càng sợ làm con phật ý, để rồi con ngày càng xa cách. Con không biết ơn mà lại trách móc, bởi yêu thương không có nguyên tắc dễ khiến trẻ “lạm quyền”, quên đi lòng trân trọng.
Giải pháp: Yêu thương cần có nguyên tắc. Cha mẹ cần đặt ra ranh giới rõ ràng từ sớm: "Bố mẹ yêu con, nhưng không phải cái gì con muốn cũng được. Thứ gì làm tổn hại con, bố mẹ sẽ không đồng ý vì tình yêu không phải là chiều chuộng mù quáng, mà là giúp con trưởng thành vững vàng".
Từ chối yêu thương: Đẩy con ra xa mà không hay biết
Có cha mẹ luôn từ chối sự quan tâm của con, với lý do: “Mẹ không cần”, “Đừng lãng phí tiền bạc vào bố mẹ”. Khi còn nhỏ, con ăn ngon thì cha mẹ nhường. Lớn lên, con mua biếu chút quà, cha mẹ lại gạt đi.
Lâu dần, đứa trẻ cảm thấy tình cảm của mình không còn giá trị. Con sẽ nghĩ: "Mình có cố gắng thế nào, bố mẹ cũng không cần đến mình". Và khoảng cách bắt đầu hình thành. Trong tâm lý học, mỗi người có một “tài khoản cảm xúc”. Khi yêu thương được đón nhận, tài khoản ấy sẽ “sinh lãi”. Nhưng nếu luôn bị từ chối, trẻ sẽ không học được cách trao đi yêu thương.
Giải pháp: Hãy đón nhận tình cảm của con dù vụng về. Một cái ôm, một lời cảm ơn, một nụ cười đón nhận sẽ khiến trẻ cảm thấy mình có giá trị, được cần đến.
Áp đặt và kiểm soát: Yêu thương sai cách tạo nên “đứa con lạnh nhạt”
Có cha mẹ yêu con bằng sự kiểm soát: từ việc ăn uống, học hành đến lựa chọn nghề nghiệp, bạn bè. Họ cho rằng đó là “vì con”, nhưng thực tế là tước đoạt quyền tự do của con.
Kết quả, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường ấy thường khó thở, chán ghét sự ràng buộc, thậm chí chọn cách im lặng, tránh xa hoặc cắt đứt liên lạc với gia đình.
Giải pháp: Thay vì kiểm soát, hãy trở thành người đồng hành. Tôn trọng cảm xúc, quyết định và sự trưởng thành của con. Hãy nói: “Bố mẹ luôn ở đây nếu con cần lời khuyên nhưng con có quyền lựa chọn cuộc đời mình".
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)