Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về thừa kế theo pháp luật. Khoản 1 Điều 651 quy định hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ/chồng, cha mẹ đẻ/nuôi, con đẻ/nuôi của người đã mất. Điều quan trọng cần lưu ý là luật không phân biệt con trong giá thú hay ngoài giá thú (con riêng). Tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều được hưởng phần di sản bằng nhau.
Trong trường hợp người con riêng xuất hiện sau khi tài sản đã được chia, việc phân chia di sản vẫn phải tuân thủ nguyên tắc không phân biệt con trong hay ngoài giá thú. Người con riêng này vẫn có quyền hưởng phần di sản tương đương với những người thừa kế khác trong gia đình.
Con riêng có được quyền đòi hưởng thừa kế sau khi tài sản đã được chia xong? (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, Điều 662 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới, việc phân chia lại di sản bằng hiện vật là không cần thiết. Thay vào đó, những người thừa kế đã nhận di sản sẽ phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản mà người đó được hưởng tại thời điểm chia thừa kế, theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận. Như vậy, gia đình không cần phải chia lại nhà đất hay các tài sản khác, mà chỉ cần thanh toán một khoản tiền phù hợp.
Để làm rõ tư cách của người con riêng, gia đình hoàn toàn có quyền thực hiện các biện pháp xác minh. Có thể kiểm tra giấy khai sinh, tiểu sử, đối chiếu thông tin gia đình, hoặc thậm chí yêu cầu xét nghiệm ADN để có căn cứ giải quyết. Nếu kết quả xác minh cho thấy người đó thực sự là con riêng của người đã mất, về mặt pháp lý, quyền thừa kế của họ không thể bị tước bỏ, ngay cả khi gia đình đã hoàn tất việc chia thừa kế.
Giải pháp nào tối ưu?
(Ảnh minh hoạ)
Mặc dù người con riêng có quyền yêu cầu chia thừa kế lại, việc này có thể gây ra nhiều phiền toái và kéo dài thời gian. Để tránh kiện tụng, các bên nên tìm kiếm giải pháp thỏa thuận bên ngoài. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn duy trì được hòa khí trong gia đình.
Việc thương lượng và đạt được thỏa thuận hợp lý giữa các bên, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người con riêng, đồng thời giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình là điều nên ưu tiên. Giải pháp này vừa thấu tình đạt lý, vừa tránh được những tranh chấp pháp lý phức tạp và tốn kém.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)