Ngày thất tịch là gì?
Ngày 7/7 âm lịch hàng năm được nhiều người quen gọi là ngày Ngâu, ngày Ngưu lang Chức nữ đoàn tụ, ngày Thất Tịch. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống phổ biến ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ngày này gắn liền với sự tích Ngưu lang - Chức nữ nên đôi khi nó còn là ngày lễ tượng trưng cho tình yêu.
Ngưu lang - Chức nữ có tình cảm với nhau nhưng không được ở bên nhau. Mỗi năm, họ chỉ được gặp nhau đúng một lần vào ngày 7/7 âm lịch trên cầu Ô Thước - cây cầu do những con quạ kết lại mà thành. Nước mắt của hai người rơi xuống và hóa thành mưa. Cũng chính vì vậy, người ta tin rằng vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm, trời thường đổ mưa lớn.
Ăn chè đậu đỏ vào ngày thất tịch để thoát ế có đúng không?
Nhiều người đồn rằng, ngày này nhiều người ăn chè đậu đỏ để giúp thoát ế. Tuy nhiên, sự thật là đây chỉ là một tin giả. Không hề có một câu chuyện dân gian nào liên quan tới việc ăn chè đậu đỏ trong ngày 7/7 âm lịch sẽ giúp "thoát ế".
Câu chuyện này được cho là xuất phát từ một blogger chuyên đăng tải về các bài viết về Hoa ngữ là Q.A trên facebook. Người này có hẳn một bài viết về tục ăn đậu đỏ để thoát ế trong ngày Thất Tịch - khi Ngưu lang Chức nữ được gặp lại nhau. Sau đó, rất nhiều fanpage đã chia sẻ lại nội dung này.
Trên thực tế, loại đậu đỏ mà Q.A đã hiểu lầm chính là hạt hồng đậu - đậu tương tư. Ở nước ta, loại đậu này mọc dại và hay được gọi là trạch quạch hay muỗng cườm. Nó chỉ dùng để trang trí chứ không thể ăn được. Hạt hồng đậu trong truyền thuyết không phải là hạt đậu đỏ dùng để nấu chè mà chúng ta vẫn ăn.
Thực tế, hạt màu đỏ này không phải là đậu đỏ nấu chè mà đây là hạt hồng đậu - đậu tương tư.
Loại hạt này được dùng để tạo thành chuỗi vòng đeo tay.
Hạt hồng đậu cầu tình duyên thường có bản dẹp hoặc hình trái tim, lớp vỏ khá rắn chắc và có thể để được rất lâu. Người ta thường dùng hạt này để xâu thành chuỗi vòng đeo tay, làm quà tặng cho người yêu với ý nghĩa bách niên giai lão. Hạt hồng đậu có chứa độc tính và hoàn toàn không được dùng để làm đồ ăn.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)