Sông Tô Lịch là một con sông nhỏ, chảy trong địa phận thành phố Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua các quận huyện: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sông Tô Lịch là một đường bao của kinh đô Thăng Long xưa, nó là một cạnh của tứ giác nước Thăng Long.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, sông đã phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, do tiếp nhận lượng lớn nước thải từ các khu dân cư và khu công nghiệp ven sông.
Để khắc phục tình trạng này, thành phố Hà Nội đang triển khai một dự án lớn với mục tiêu cải tạo môi trường và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch gồm 3 phần chính: bổ cập nước từ sông Hồng vào đầu nguồn để tạo dòng chảy; xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông và xử lý nước thải ở Nhà máy Yên Xá; nạo vét và làm sạch lòng sông để triệt tiêu bùn bẩn và mùi hôi thối.
Sông Tô Lịch nhiều năm qua bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ngoài 3 phần chính nêu trên, một giải pháp mới để chuẩn bị cho sau này khi dòng sông hoàn toàn hồi sinh, sẽ giữ được nước theo các đoạn sông ở một mực nhất định, góp phần quan trọng vào phát triển cảnh quan, du lịch, dịch vụ ven sông - biến con sông thành một thực thể sinh động và đem lại nhịp sống trù phú hai bên bờ.
Dự án đập dâng được chia thành ba giai đoạn, triển khai tại ba vị trí khác nhau: cầu Cót, cầu Dậu và cầu Quang. Mỗi đập dâng sẽ giúp điều chỉnh mực nước, giữ lại nước trong sông và cải thiện khả năng thoát nước, đồng thời hỗ trợ tạo ra cảnh quan cho khu vực xung quanh.
Dưới đây là bộ ảnh được người viết sử dụng ứng dụng AI ChatGPT để tạo ra hình ảnh tưởng tượng về cảnh quan 3 con đập khi được hình thành trên sông Tô Lịch.
Đập đầu tiên được xây dựng tại khu vực gần cầu Cót, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy
Đây là vị trí được chọn vì gần các khu dân cư lớn, nơi có nhu cầu cải thiện hệ thống thoát nước và môi trường sống. Các công trình tại đây sẽ giúp giữ nước ổn định và tránh tình trạng ngập úng trong mùa mưa.
(Ảnh giả định do ChatGPT tạo ra).
Đập thứ hai ở khu vực cầu Dậu, nằm ở phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai
Đây là khu vực có mật độ dân số cao và phát triển nhanh, việc xây dựng đập dâng tại cầu Dậu là rất cần thiết để cải thiện chất lượng nước sông và giảm thiểu ô nhiễm. Việc xây dựng sẽ tạo ra một khu vực sinh thái đẹp mắt, thu hút sự chú ý của cộng đồng.
(Ảnh giả định do ChatGPT tạo ra).
Cuối cùng, đập dâng tại cầu Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) là dự án đang được triển khai thực tế
Các công tác thi công tại cầu Quang đang diễn ra, bao gồm việc khoanh vùng và hút cạn nước sông để tạo điều kiện thuận lợi cho công việc xây dựng đập. Sau khi hoàn thành, đập này không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn đóng góp vào việc nâng cao mỹ quan đô thị của khu vực.
(Ảnh giả định do ChatGPT tạo ra).
* Lưu ý: Các hình ảnh không nhất thiết đúng với vị trí và thực tế triển khai, chỉ là mô phỏng giả định.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)