Antechinus là thú có túi nhỏ trông giống chuột. Loài vật này như “đứa con lai” của mèo và chuột với bộ lông màu nâu hoặc đen có những đốm trắng, cái mũi màu hồng cùng hàm răng khỏe. Thức ăn của chúng chủ yếu là côn trùng và các loài động vật nhỏ khác, hoa quả và các loại hạt… Chúng là một loài thú có túi ăn thịt, vì vậу mà không dễ tiếp cận chúng như nhiều loài thú nhỏ khác vì hàm răng rất sắc nhọn và sẵn sàng tấn công bất kỳ ai đến gần.
Chuột đực từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành có quá trình phát triển hết sức bình thường nhưng khi đến giai đoạn sinh sản, chúng lại có đời sống tình dục "cuồng nhiệt" khủng khiếp. Suốt mùa sinh sản, chúng không ngừng tìm kiếm con cái để giao phối, tìm được càng nhiều càng tốt.
Trưởng nhóm nghiên cứu Andrew Baker, một nhà nghiên cứu về động vật có vú từ Khoa Khoa học và Kỹ thuật QUT, cho biết, mỗi lần chúng giao phối trung bình kéo dài vài tiếng đồng hồ nhưng cũng có thể kéo dài tới 14 giờ trong khoảng thời gian từ hai đến ba tuần trước khi con đực chết. Đó là bởi các con đực không phóng nhiều tinh trùng tại một thời điểm, vì vậy chúng phải xuất tinh nhiều lần để đảm bảo tinh trùng kết hợp được với trứng.
"Thời kỳ sinh sản về cơ bản là 2-3 tuần giao phối tốc độ, với những con đực được cung cấp testosterone sẽ kết đôi với càng nhiều con cái càng tốt, trong tối đa 14 giờ mỗi lần. Cả hai giới đều phải chịu căng thẳng nhưng chỉ có con đực tiết ra testosterone. Lượng testosterone liên tục ở mức cao khiến hormone căng thẳng cortisol không ngừng tiết ra. Cuối cùng, nó tăng đến mức gây hại và khiến hệ miễn dịch trục trặc. Con đực sau đó sẽ chảy máu trong rồi chết", Tiến sĩ Baker cho biết.
Vậу tại sao việc chúng lại vất vả như vậy?
Các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu loài chuột này đã đưa ra một vài giả thuyết. Một phần là do lượng thức ăn cung cấp. Trong quá trình di chuyển từ các lục địa sang Úc, tổ tiên của loài Antechinus đã trải qua sự biến động lớn về thức ăn. Điều này khiến chúng phải tự động cân bằng số lượng để không dẫn đến chết hàng loạt vì thiếu thực phẩm. Cho nên, hành động của những con đực được coi như là sự hy sinh để thế hệ sau được đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, một số nhà sinh vật học khác lại cho rằng nguyên do là từ tập tính sinh sản của con cái. Loài Antechinus không giống với những giống chuột khác, vốn sinh sản vào giữa mùa thu hoạch nên có lượng thực phẩm dồi dào, dẫn đến việc các con con không quá phụ thuộc vào sữa mẹ. Ngược lại, các bà mẹ chuột Antechinus lại sinh con trước mùa thu hoạch khá sớm. Không những thế, chúng còn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 4 tháng trời. Áp lực đè nặng lên chuột mẹ khiến tỉ lệ sống sót của các con non thấp. Bởi vậy mà chuột đực phải gồng mình lên để giao phối, với mong muốn nòi giống sẽ được truyền lại đến đời sau.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)