Khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2015, cầu Nhật Tân có tổng chiều dài ấn tượng 8.930m. Trong đó, phần cầu chính là một tuyệt tác kỹ thuật với chiều dài 3.755m và bề rộng 33,2m. Điểm nhấn của cầu chính là kết cấu cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500m, một thiết kế hiếm thấy trên thế giới. Cầu dẫn được xây dựng bằng dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực (BTCT DƯL) và dầm Super-T. Phần đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài 5.170m, kết nối cầu với mạng lưới giao thông hiện hữu.
Cầu Nhật Tân còn được trang bị 3 nút giao thông hiện đại, trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh kết nối cầu với đường Quốc lộ 5 kéo dài, đảm bảo lưu lượng giao thông thông suốt và an toàn.
Cầu Nhật Tân tự hào là cầu dây văng bằng thép dài nhất Việt Nam. Điều đặc biệt hơn, vào thời điểm khánh thành, cầu đã xác lập kỷ lục châu Á là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng với 5 trụ tháp. Thiết kế này không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn tăng cường khả năng chịu lực và độ ổn định của cầu.
Với tổng vốn đầu tư khổng lồ lên đến 13.626 tỷ đồng, cầu Nhật Tân lọt top hiếm có trên thế giới, đạt kỷ lục châu Á
Ngoài ra, cầu Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, một minh chứng cho sự sáng tạo và trình độ kỹ thuật cao của các kỹ sư Việt Nam và quốc tế tham gia dự án.
Bên cạnh công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, cầu Nhật Tân còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến khác lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Điển hình là công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép.
Một trong những điểm nổi bật của cầu Nhật Tân là việc sử dụng công nghệ móng vòng vây cọc ống thép do Nhật Bản nghiên cứu và phát triển. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường.
Việc lựa chọn cọc ống thép trong xây dựng cầu Nhật Tân là một quyết định chiến lược, dựa trên độ bền cao và khả năng chịu lực tốt của vật liệu này. Phương pháp này giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và loại bỏ một số công đoạn phức tạp so với phương án cọc khoan nhồi truyền thống. Mặc dù chi phí cọc ống thép cao hơn, nhưng hiệu quả lâu dài và giá trị kinh tế mà nó mang lại là vượt trội.
Cọc ống thép được nhập khẩu từ Nhật Bản, với đường kính 1,2m và chiều dài khoảng 38m. Quá trình thi công được thực hiện bằng cách sử dụng búa rung kết hợp hệ thống phun nước áp lực cao để giảm ma sát, cùng với búa diesel để đóng cọc trong khu vực địa chất tốt, đảm bảo mũi cọc đạt độ sâu thiết kế. Đây là lần đầu tiên những thiết bị này được sử dụng tại Việt Nam, thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và trang thiết bị hiện đại.
Sau khi hoàn thành việc đóng cọc vòng vây, nhà thầu tiến hành nạo vét bùn đáy sông trong khu vực vòng vây cọc ống thép và đổ bê tông để bịt đáy. Tiếp theo, cốt thép được lắp đặt vào bệ trụ, hàn đinh neo vào ống thép để tăng cường liên kết giữa bệ tháp và cọc ống thép, sau đó đổ bê tông cho bệ tháp. Toàn bộ bệ tháp cầu được thiết kế chìm trong đất, tạo mỹ quan cho cầu Nhật Tân trong mùa nước cạn.
Cầu Nhật Tân sử dụng công nghệ dây văng PWS (sợi song song), một công nghệ phổ biến ở Nhật Bản và Trung Quốc. Các bó cáp được chế tạo sẵn và nhập khẩu theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đảm bảo chất lượng và độ an toàn cao nhất.
Ngoài ra, trong quá trình thi công, hệ thống quan trắc tự động giám sát toàn bộ quá trình thi công và vận hành cũng là một bước tiến mới, đảm bảo công trình an toàn và hoạt động hiệu quả.
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu chính thức đi vào hoạt động đã kết nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và các khu công nghiệp như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Yên Viên. Cầu cũng góp phần hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố đến Sân bay Nội Bài.
Lam Vy (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)