Thay vì cơ chế hỗ trợ trước đây, Nghị định 60 quy định việc hỗ trợ sinh viên sư phạm sẽ được thực hiện thông qua cơ chế giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Điều này hứa hẹn sẽ giúp việc phân bổ nguồn lực hiệu quả và kịp thời hơn.
Điểm đáng chú ý khác là việc cho phép các địa phương có nhu cầu cụ thể về đội ngũ giáo viên được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục. Cơ chế này sẽ đảm bảo việc đào tạo sát với nhu cầu thực tế, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Từ ngày 20/4, sinh viên các ngành sư phạm sẽ được hưởng lợi từ một cơ chế hỗ trợ mới theo Nghị định 60 (Ảnh minh hoạ)
Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Nghị định 60 là việc làm rõ các quy định về thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên không tiếp tục theo học ngành sư phạm hoặc không công tác trong ngành sau khi tốt nghiệp.
Theo quy định mới, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm thống kê hàng năm danh sách sinh viên thuộc diện bồi hoàn, bao gồm các trường hợp chuyển ngành, bỏ học, bị buộc thôi học, hoặc tốt nghiệp nhưng không làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian cam kết. Danh sách này sẽ được gửi về UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan đặt hàng để tiến hành thu hồi kinh phí.
Thời hạn bồi hoàn tối đa là 4 năm kể từ khi sinh viên nhận được thông báo. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận thông báo, sinh viên cần chủ động liên hệ để làm thủ tục hoàn trả.
Mặc dù quy định về hoàn trả kinh phí được thắt chặt, Nghị định 60 vẫn thể hiện tính nhân văn khi cho phép xóa hoặc miễn giảm kinh phí bồi hoàn trong những trường hợp đặc biệt. Cụ thể, sinh viên sẽ được xem xét miễn, giảm hoặc xóa nợ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, qua đời, hoặc thuộc diện được miễn – giảm học phí theo quy định của Chính phủ.
(Ảnh minh hoạ)
Quyết định cuối cùng về việc miễn, giảm hay xóa nợ sẽ do UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú căn cứ vào điều kiện cụ thể để quyết định, đảm bảo sự linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Với những thay đổi này, Nghị định 60/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho sinh viên sư phạm, đồng thời đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực của nhà nước.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)