Kỳ nghỉ Tết là khoảng thời gian mà bạn tách rời khỏi công việc dài ngày nhất trong năm để nghỉ ngơi và thư giãn cùng gia đình. Bạn đã được tận hưởng khá nhiều niềm vui và cảm giác thoải mái trong những ngày nghỉ mà không bị chi phối bởi công việc. Do đó vào thời điểm kỳ nghỉ sắp kết thúc, nhiều bạn sẽ có cảm giác tiếc nuối và chưa hoàn toàn sẵn sàng cho ngày làm việc đầu tiên.
Dưới đây Shark Linh (Thái Vân Linh) chỉ ra 3 cách lấy lại tinh thần làm việc sau Tết mà bạn có thể áp dụng:
1. Có sự chuẩn bị từ trước
Chuẩn bị về tinh thần
Theo Tiến sĩ Melissa Weinberg, nhà tư vấn nghiên cứu và nhà tâm lý học: “Cho dù chúng ta có tận hưởng kỳ nghỉ của mình hay không, bộ não sẽ khiến chúng ta tin rằng mình đã tận hưởng hay muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Từ đó, cảm xúc chúng ta bị ảnh hưởng tiêu cực sau một kỳ nghỉ vui vẻ."
Dù là một người yêu thích làm việc nhưng thỉnh thoảng sau những kỳ nghỉ Linh cũng gặp phải trạng thái “hụt hẫng” khi quay lại nhịp độ công việc thường ngày. Và sau những lần đó Linh cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm để đem đến năng lượng khởi động cho mình:
Cho dù chúng ta có tận hưởng kỳ nghỉ của mình hay không, bộ não sẽ khiến chúng ta tin rằng mình đã tận hưởng hay muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Từ đó, cảm xúc chúng ta bị ảnh hưởng tiêu cực sau một kỳ nghỉ vui vẻ.
Bạn nên chuẩn bị tâm lý trở về với công việc từ 2 - 3 ngày trước khi kỳ nghỉ kết thúc, thay vì đợi đến ngày cuối cùng mới bắt đầu chuẩn bị cho việc đi làm lại vào ngày hôm sau.
Vào những ngày nghỉ cuối, hãy trở lại với đồng hồ sinh học như khi bạn đi làm, tránh thức khuya hay ngủ dậy trễ vào sáng hôm sau.
Chuẩn bị cho mình một cái gì đó mới: Có thể là bộ trang phục mới hay kiểu trang điểm mà bạn thích hay một vật dụng, phụ kiện mới để có thêm những niềm vui nho nhỏ.
Một tiếng chuông báo thức khác từ bài nhạc mà bạn thích gần đây cũng sẽ khiến tâm trạng của bạn tốt hơn và tràn đầy năng lượng hơn.
Chuẩn bị về công việc
Tiếp xúc lại với công việc trong những ngày nghỉ cuối cùng sẽ giúp bạn bắt nhịp nhanh hơn và thêm sẵn sàng cho ngày làm việc chính thức. Bạn có thể kiểm tra nhanh hộp mail, lên trước danh sách các việc cần làm trong tuần trở lại đầu tiên. Hãy chỉ dành một ít thời gian trong một, hai ngày nghỉ còn lại của mình để chuẩn bị. Điều này sẽ giúp bạn tránh được tâm lý đột ngột khi trở lại công việc mà chưa có sự chuẩn bị nào.
2. Dọn dẹp và trang trí bàn làm việc
Nhà thiết kế Jane Dzisiewski từng nói: “Xóa mọi thứ về mặt vật lý giống như nhấn nút khởi động lại". Dù là bàn làm việc ở văn phòng hay ở nhà thì bạn cũng nên sắp xếp lại một chút để nó trông gọn gàng hơn vào năm mới. Bạn có thể soạn lại và bỏ đi xấp tài liệu cũ, một vài tờ ghi chú không còn sử dụng, hay những chiếc vỏ bánh kẹo, và để những vật dụng về lại đúng vị trí. Khi mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, bạn sẽ tránh được việc phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm một tài liệu hay dụng cụ cần thiết.
Một không gian làm việc gọn gàng được trang trí theo cách bạn muốn sẽ đem lại cho bạn tinh thần thoải mái và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
Ngoài ra thì nhân dịp năm mới, bạn cũng có thể thử trang trí thêm một chút cho không gian làm việc bằng những thứ mình yêu thích. Đó có thể là một bức ảnh chụp cùng gia đình hay bạn bè trong dịp Tết để tiếp thêm năng lượng. Linh cũng thích làm cho chiếc bàn của mình thú vị hơn với một chiếc đồng hồ mới, một chậu cây nhỏ, hoặc một hộp đựng bút mới. Vì một không gian làm việc gọn gàng được trang trí theo cách bạn muốn sẽ đem lại cho bạn tinh thần thoải mái và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
3. Kết nối các mối quan hệ công sở
Gặp gỡ đồng nghiệp vào kỳ nghỉ cũng là một cách hiệu quả để bạn khởi động tinh thần trước khi trở lại làm việc. Hoặc trong trường hợp các bạn về quê cùng gia đình thì có thể trò chuyện bằng tin nhắn, hay video call cùng nhau. Bên cạnh những chia sẻ về các chủ đề cá nhân, cùng nhắc một chút về những mục tiêu trong năm tới, hay những việc cần làm trong ngày làm việc đầu tiên cũng sẽ tiếp thêm động lực cho chúng ta rất nhiều. Những câu chuyện được trao đổi và chia sẻ giữa các đồng nghiệp sẽ giúp bạn giữ được sự liên kết với công việc của mình. Đồng thời bằng cách đó bạn cũng tạo dựng được sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm hay phòng ban làm việc.
Sau khi đọc đến đây mà bạn vẫn còn đang tiếc nuối về kỳ nghỉ vừa qua của mình thì hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng: Ý nghĩa lớn nhất của những ngày Tết chính là để sạc lại năng lượng cho bạn bằng những niềm vui tinh thần sau một năm làm việc chăm chỉ. Điều bạn nên làm lúc này là trân quý nguồn năng lượng bạn vừa được tái tạo và dùng nó để bắt đầu một năm làm việc thật hiệu quả. Và khi bạn tập trung phát triển công việc của mình rồi gặt hái được các thành quả nhất định, Linh tin chắc rằng những kỳ nghỉ tiếp theo của bạn sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
Theo Facebook: Linh Thai
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)