Với diện tích tự nhiên lên đến 8.536,5km2 và quy mô dân số gần 3 triệu người (2.959.000), tỉnh Tây Ninh mới sau sáp nhập được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những địa phương giàu có hàng đầu Việt Nam, đồng thời đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới cho khu vực.
Xét về vị trí địa lý, Long An và Tây Ninh đều nằm ở vị trí trọng yếu, đóng vai trò là cửa ngõ phía Tây của TP.HCM và là "trạm trung chuyển" chiến lược giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh mới sau sáp nhập sẽ sở hữu đường biên giới dài hơn 350km giáp với Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu.
Tỉnh mới sau khi dự kiến hợp nhất Long An và Tây Ninh được kì vọng trở thành tỉnh giàu có top đầu Việt Nam
Long An tiếp giáp trực tiếp với TP.HCM, được hưởng lợi từ hệ thống giao thông hiện đại, kết nối nhanh chóng với các khu công nghiệp, cảng biển và sân bay quốc tế. Trong khi đó, Tây Ninh là địa phương duy nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có chung đường biên giới với Campuchia, sở hữu cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, một trong những cửa ngõ thương mại sầm uất nhất khu vực.
Sự kết hợp này sẽ mở rộng không gian phát triển theo trục Đông - Tây, kết nối lợi thế công nghiệp và logistics của Long An với tiềm năng kinh tế biên mậu và năng lượng tái tạo của Tây Ninh. Hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm các tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Bến Lức – Long Thành và tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong tương lai, sẽ càng củng cố vai trò cầu nối của tỉnh mới trong khu vực.
Cả Long An và Tây Ninh đều ghi nhận những kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm 2024, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của tỉnh mới.
Theo số liệu thống kê, GRDP của Tây Ninh ước đạt mức tăng 8,45%, vượt xa mục tiêu kế hoạch và xếp thứ 19/63 toàn quốc. Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh xếp thứ 2, chỉ sau Bình Phước. GRDP giá hiện hành đạt khoảng 123.878 tỷ đồng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tới 45,79%.
Tương tự, Long An cũng đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,3% trong năm 2024, với sự bứt phá đáng kể trong quý III và quý IV. Quy mô kinh tế của Long An đạt hơn 188.000 tỷ đồng, đứng thứ 13 cả nước. Long An cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, với 1.377 dự án và tổng vốn đăng ký lên tới 12,6 tỷ USD.
Nếu sáp nhập thành công, tỉnh Long An – Tây Ninh sẽ sở hữu một nền kinh tế quy mô lớn, vững chắc, đóng vai trò là vùng đệm kết nối TP.HCM với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ lớn ở khu vực phía Tây Nam Bộ.
Không chỉ có tiềm năng kinh tế lớn, tỉnh Long An – Tây Ninh hợp nhất còn sở hữu những điểm đến du lịch hấp dẫn, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm đa dạng cho du khách. Từ núi Bà Đen nổi tiếng (Tây Ninh) đến làng nổi Tân Lập và chùa Tôn Thạnh cổ kính (Long An), sự kết hợp này sẽ tạo điều kiện để phát triển các tuyến du lịch hành hương, sinh thái và văn hóa, kết nối từ TP.HCM qua Long An đến Tây Ninh. Đây là cơ hội để xây dựng chuỗi giá trị du lịch, thương mại biên giới mới mẻ, đa dạng và bền vững.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)