Mùa sấu thường chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm). Vào mùa sấu, quả sấu được bán rất nhiều tại các chợ ở miền Bắc. Khi còn xanh, quả sấu được dùng để nấu canh chua, ngâm mắm ớt...
Vì hương vị chua đặc trưng nên nhiều người mua sấu với số lượng lớn để ngâm nước giải khát hay cất ngăn đá để dùng cả năm.
Sấu đang được bày bán nhiều, vậy có bao giờ bạn thắc mắc mua sấu nên chọn quả non hay già thì được lời nhất?
Nhiều người thường thích những quả sấu xanh mướt, da mịn, trơn bóng nhưng thực chất những quả sấu này còn non, chỉ nên mua một ít về nấu canh hoặc chế biến trong vài ngày. Sấu non có nhiều thịt nhưng hạt lại mềm nên nếu để ngâm rất dễ bị ủng. Bạn cũng không nên mua những quả sấu quá già vì chúng hạt to, ít thịt và ít chua.
Vì vậy, muốn bảo quản sấu tươi hoặc làm sấu ngâm để được lâu, giòn, nhiều thịt mà không bị ủng. Nên chọn loại quả đang ngả chín, vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần (không nên chọn sấu quá non hay quá già).
Quả sấu bánh tẻ có lớp vỏ hơi sần, cùi dày và có nhiều thịt chua, được xem là những quả sấu ngon nhất.
Tránh chọn quả sấu có vỏ bị thâm, dập và quả bị sâu mọt.
Cách bảo quản sấu tươi để cả năm không hỏng:
Cách 1:
Bước 1: Sấu tươi sau khi mua về hãy cạo sạch vỏ. Chú ý, chỉ cạo một lớp mỏng bên ngoài vỏ chứ không gọt vì gọt không cẩn thận sẽ phạm vào phần thịt bên trong. Trong lúc cạo vỏ, hãy lựa và loại bỏ những quả dập nát, sâu hỏng.
Mẹo: Bắt buộc phải cạo vỏ, bởi việc để nguyên lớp vỏ như vậy khiến món ăn có vị chát. Ngoài ra, sau khi rã đông, sấu sẽ bị nhũn và không dễ cạo vỏ như khi mới hái.
Bước 2: Sấu cạo đến đâu thì thả vào chậu nước ngâm đến đấy cho sấu không bị thâm. Sau đó, ngâm toàn bộ chỗ sấu đã cạo trong nước khoảng 10 phút.
Bước 3: Sau 10 phút, đem sấu rửa lại với nước sạch và để thật ráo cho đến khi bề mặt quả sấu se lại.
Bước 4: Chia sấu vào các túi zip nhỏ hoặc có thể cho vào hộp. Nên chia khoảng 300 gram sấu/túi để hạn chế khí ẩm bên trong. Tránh cho tất cả sấu vào một túi to. Như vậy, khi lấy sấu ra sử dụng, bạn sẽ bổ sung một lượng độ ẩm vào túi, làm các quả sấu dính vào nhau và khó tách ra.
Cách 2:
Bước sơ chế cũng tương tự như cách trên. Sấu mua về đem cắt cuống, cạo vỏ và ngâm trong chậu nước.
Sau đó, rửa hết phần sấu đã chuẩn bị.
Đun một nồi nước và cho sấu vào nấu đến khi chín thì vớt ra, để nguội.
Tách bỏ phần hạt và giữ lại phần thịt sấu. Cho phần thịt sấu và nước luộc vào máy xay sinh tố. Xay sấu thành hỗn hợp nhuyễn mịn.
Đổ hỗn hợp này vào khay đá (loại khay chia thành các viên nhỏ) và để vào ngăn đá tủ lạnh.
Khi hỗn hợp đông cứng thành các viên thì gỡ chúng ra, cho vào hộp và đậy nắp kín. Để hộp sấu nghiền vào ngăn đá tủ lạnh, mỗi khi sử dụng chỉ cần lấy một vài viên, cho trực tiếp vào nồi canh đang nấu là được.
Với cách này, có thể bảo quản sấu trong khoảng 1 năm.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)