Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các gia đình Việt thường tiến hành lau dọn bàn thờ và rút tỉa chân nhang của năm cũ để trừ bỏ những điều không tốt của năm cũ đồng thời thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần.
Ngày đẹp rút tỉa chân nhang
Ngày đẹp nhất cuối năm để thực hiện việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân nhang là ngày 24 tháng Chạp, tức ngày 26/1/2022 dương lịch. Ngày tiếp theo là 26 tháng Chạp, tức ngày 28/1/2022 dương lịch.
Ngày 24 tháng Chạp (26/1/2022) là ngày Kỷ Mão, thuộc ngày Kim Đường Hoàng Đạo, trực Mãn, có sao tốt là Bích thuỷ du, Kim đường, Ngũ hợp, Bảo quang thích hợp cho việc cúng tế thuận lợi, may mắn.
Ngày 24 tháng Chạp có giờ lành hợp để thực hiện tỉa chân nhang là giờ Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h).
Ngày 26 tháng Chạp (28/1/2022) là ngày Tân Tỵ, thuộc ngày Ngọc Đường Hoàng Đạo, trực Định, có sao tốt là Thiên ân, Nguyệt ân, Thời âm, Ngọc đường thích hợp cho việc cúng tế, cầu phúc, cầu tự.
Ngày 26 tháng Chạp có giờ đẹp là giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h).
Nhìn chung, ngày 24 và 26 tháng Chạp là hai ngày có thể thực hiện công việc bao sái ban thờ, rút tỉa chân hương. Khung giờ thực hiện tỉa chân nhang là vào ban ngày, không nên thực hiện vào chiều tối hay đêm. Tuy nhiên, gia chủ nên cân nhắc chọn lựa ngày thực hiện sớm, để có thời gian chăm sóc án hương được chu đáo, toàn vẹn.
Lưu ý khi tỉa chân nhang
Người thực hiện việc rút tỉa chân nhang thường là gia chủ hoặc người phụ trách việc thờ cúng trong nhà. Trước khi bao sái bàn thờ, rút tỉa chân hương, người thực hiện phải tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc, quần áo gọn gàng, lịch sự.
Phụ nữ đến ngày "rụng dâu" không được thực hiện công việc tỉa chân nhang. Không mặc áo hở ngực, váy ngắn, nên mặc kín đáo, gọn gàng.
Trong quá trình rút tỉa chân nhang, người thực hiện cần giữ lòng thành kính, tâm thanh tịnh. Không nên vừa làm vừa mắng chửi, cãi nhau với người khác.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.
Hoàng Khuông (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)