Công chức, viên chức có còn thưởng Tết?
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, từ 01/7/2024, công chức, viên chức sẽ được bổ sung khoản tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Cụ thể, cơ cấu tiền lương của cán bộ công chức, viên chức sau cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết 27 như sau:
Thu nhập của công chức, viên chức sau 01/7/2024 = Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) + tiền thưởng (quỹ tiền thưỡng chiếm khoảng 10% tổng quỹ lương không bao gồm phụ cấp).
Do hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định chính thức về khoản 10% tiền thưởng nên khoản thưởng Tết tới đây liệu có được gộp chung vào quỹ tiền thưởng hay không còn cần phải đợi văn bản hướng dẫn chính thức được ban hành từ 01/7/2024 sắp tới.
Hiện nay, các chế độ liên quan tới tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Điều 12 Luật Cán bộ, công chức 2008 và Điều 12 Luật Viên chức 2010 như sau:
- Đối với cán bộ, công chức: Được hưởng tiền làm thêm giờ, làm đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định.
- Đối với viên chức: Được hưởng tiền thưởng, xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Điều 104 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14, giống như các loại tiền thưởng khác, thưởng Tết là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tuy nhiên, việc thưởng Tết và các loại tiền thưởng khác không phải là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động. Vì vậy, việc cán bộ, công chức, viên chức có được nhận thưởng Tết hay không, mức thưởng là bao nhiêu hiện vẫn còn phụ thuộc vào quy chế của từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp.
(Ảnh minh họa)
Thu nhập công chức, viên chức sau cải cách thế nào?
Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW, cơ cấu tiền lương của công chức sẽ gồm 70% lương cơ bản và 30% phụ cấp và bổ sung 10% trong tổng quỹ lương cả năm không bao gồm phụ cấp là thưởng. Cụ thể:
Thu nhập từ lương
Thay đổi lớn nhất trong thu nhập của cán bộ công chức, viên chức sau cải cách tiền lương chính là việc thay đổi cách tính lương. Theo đó, cách tính lương hiện nay theo hệ số x lương cơ sở sẽ không còn nữa.
Thay vào đó, thu nhập từ lương của công chức, viên chức sẽ được tính theo số tiền cụ thể theo vị trí chức vụ hoặc theo chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể;
- Với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo từ Trung ương đến cấp xã: Hưởng bảng lương theo chức vụ, thể hiện thứ bậc của người đảm nhiệm chức vụ và đáp ứng các nguyên tắc:
Giữ chức vụ nào thì hưởng lương của chức vụ đó
Người mang nhiều chức vụ thì được hưởng mức lương cao nhất theo chức vụ cao nhất.
Nếu có nhiều người giữ chức vụ tương đương nhau thì được hưởng lương ngang nhau; lương lãnh đạo cấp trên phải cao hơn lãnh đạo cấp dưới…
- Với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo: Hưởng bảng lương theo chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó:
Nếu có cùng mức độ phức tạp trong công việc như nhau thì lương được hưởng như nhau.
Công chức, viên chức làm công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường thì sẽ được hưởng thêm phụ cấp theo nghề.
Sắp xếp lại nhóm ngạch, số bậc để khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Gắn vị trí việc làm với bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức…
- Với lực lượng vũ trang gồm quân đội, công an và cơ yếu: Xây dựng 03 bảng lương dành riêng cho đối tượng này gồm:
Bảng lương dành cho sĩ quan quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an: Xây dựng theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm.
Bảng lương dành cho các quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an.
Bảng lương dành cho các chiến sĩ công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Theo đó, tới đây khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương mới của cán bộ công chức, viên chức không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
(Ảnh minh họa)
Thu nhập từ phụ cấp
Sau cải cách tiền lương, chế độ phụ cấp hiện hành cũng sẽ được sắp xếp lại. Cụ thể:
- Tiếp tục hưởng 07 loại phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với quân đội, công an, cơ yếu.
- Gộp các loại phụ cấp:
Phụ cấp theo nghề: gộp từ phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp độc hại, nguy hiểm. (Áp dụng với những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường như giáo dục và đào tạo, y tế, thi hành án dân sự…)
Phụ cấp công tác vùng đặc biệt khó khăn: gộp từ phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt và trợ cấp công tác lâu năm vùng đặc biệt khó khăn.
- Bỏ các loại phụ cấp: Phụ cấp thâm niên nghề; Phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp chức vụ; phụ cấp công vụ; phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
Như vậy, mức phụ cấp của cán bộ công chức, viên chức sẽ được quy định theo hướng một chức danh có thể đảm nhận được nhiều công việc nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và hiệu quả của công việc.
Thu nhập từ thưởng
(Ảnh minh họa)
Thưởng là một khoản thu nhập rất được mong chờ trong thời gian tới. Theo đó, sẽ bổ sung thêm 10% thưởng vào tổng quỹ thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cải cách tiền lương (không bao gồm phụ cấp).
Việc bổ sung khoản tiền thưởng phần nào nhằm tăng đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chứ khi đạt kết quả trong việc thực hiện công việc cũng như góp phần ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện để các cán bộ, công chức, viên chức có thể yên tâm công tác lâu dài với ngành.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)