Theo thông tin từ Bộ, người dân có nhu cầu giải quyết tranh chấp đất đai giờ đây có thể dễ dàng nộp đơn thông qua nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, người dân có thể nộp đơn trực tiếp tại Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả của Bộ (số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hoặc tại trụ sở tiếp công dân của Bộ (số 79 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội).
Sắp xếp lại các tỉnh thành, cần giải quyết thế nào khi tranh chấp đất đai? (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh hình thức nộp trực tiếp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân thông qua việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên các nền tảng: Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ http://dichvucong.mae.gov.vn. Việc đa dạng hóa các kênh nộp hồ sơ được kỳ vọng sẽ giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đồng thời tăng cường tính công khai và minh bạch trong quá trình tiếp nhận.
Điểm đáng chú ý trong quy trình mới là thời gian xử lý ban đầu. Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho các bên liên quan và các cơ quan chức năng địa phương trong vòng 5 ngày làm việc. Trường hợp không thụ lý, Bộ cũng sẽ có văn bản trả lời rõ ràng, nêu cụ thể lý do, đảm bảo quyền được biết thông tin của người dân.
(Ảnh minh hoạ)
Về quy trình giải quyết tranh chấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng các bước cụ thể, bao gồm việc các đơn vị chuyên môn sẽ tiến hành thu thập hồ sơ, tổ chức hòa giải giữa các bên, xác minh thực tế (nếu cần thiết) và cuối cùng trình Bộ trưởng ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc công nhận hòa giải thành. Thời hạn giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng là không quá 90 ngày làm việc, không tính các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo quá trình giải quyết diễn ra thuận lợi, Bộ cũng quy định rõ các loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, hồ sơ cần có đơn yêu cầu, biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các tài liệu khác có liên quan đến vụ việc.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)