Người hâm mộ từng thắc mắc liệu đội tuyển có trở lại sân Mỹ Đình hay tiếp tục thi đấu ở Việt Trì, hoặc một sân đấu khác và giờ đây, câu trả lời đã dần lộ diện. Trong năm 2025, gần như toàn bộ các trận đấu của thầy trò HLV Kim Sang-sik sẽ diễn ra tại sân Gò Đậu thuộc tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, vào sáng 14/2, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Bóng đá Bình Dương và CLB B.Bình Dương. Nội dung cuộc họp xoay quanh công tác chuẩn bị cho các trận đấu sân nhà của ĐT Việt Nam tại Vòng loại cuối Asian Cup 2027.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phú khẳng định vai trò quan trọng của các trận đấu sân nhà đối với hành trình chinh phục tấm vé dự VCK Asian Cup 2027 của ĐT Việt Nam. Ông Phú nhấn mạnh, đây không chỉ là cơ hội để đội tuyển thể hiện sức mạnh và cạnh tranh tấm vé đi tiếp, mà còn là dịp để đưa bóng đá Việt Nam đến gần hơn với người hâm mộ trên khắp cả nước.
Ông Phú cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo tỉnh, Bình Dương hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe của AFC trong công tác tổ chức các trận đấu thuộc Vòng loại Asian Cup 2027.
Theo Báo Dân Việt, nhận định của một số chuyên gia cho rằng, quyết định giảm sử dụng sân Mỹ Đình của VFF xuất phát từ ba yếu tố chính: chi phí thuê cao, chất lượng sân không đảm bảo và sự sụt giảm lượng khán giả.
Với mức giá thuê lên đến 800 triệu đồng/trận, sân Mỹ Đình trở thành một lựa chọn đắt đỏ, gây áp lực tài chính không nhỏ cho công tác tổ chức. Không chỉ vậy, chất lượng mặt sân liên tục bị phàn nàn, đặc biệt là tại AFF Cup 2022, khi mặt cỏ cháy vàng, xơ xác khiến nhiều người so sánh sân Mỹ Đình với… một cánh đồng khô cằn.
Ngoài ra, sân Mỹ Đình với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi thường xuyên rơi vào tình trạng khán đài trống trải khi ĐT Việt Nam đối đầu các đối thủ yếu, khiến bầu không khí trên sân trở nên kém sôi động. Trong khi đó, các trận đấu tổ chức tại những sân bóng địa phương như Lạch Tray (Hải Phòng), Thiên Trường (Nam Định) hay Việt Trì (Phú Thọ) lại thu hút lượng khán giả đông đảo, tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt hơn nhiều.
Sân vận động Mỹ Đình từng lọt top 5 sân vận động tốt nhất khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)
Việc lựa chọn sân Gò Đậu (Bình Dương) làm sân nhà mới của ĐT Việt Nam không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí mà còn mang ý nghĩa đặc biệt với người hâm mộ khu vực phía Nam. Gần ba năm qua, các CĐV tại đây chưa có cơ hội theo dõi trực tiếp những trận đấu quốc tế.
Sân Gò Đậu - Bình Dương (Ảnh minh hoạ)
Sau chức vô địch ASEAN Cup 2024, sức hút của đội tuyển Việt Nam đang ở mức rất cao. Những trận đấu sắp tới của thầy trò HLV Kim Sang-sik tại Bình Dương hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm, thu hút đông đảo khán giả đến sân và tạo nên bầu không khí cuồng nhiệt chưa từng có.
Sân vận động Gò Đậu, được xây dựng vào năm 1973, nằm ngay trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những công trình thể thao tiêu biểu của khu vực miền Nam. Ban đầu, sân chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi, rèn luyện thể thao của người dân địa phương. Tuy nhiên, sau năm 1975, sân vận động này liên tục được nâng cấp để đáp ứng các giải đấu chuyên nghiệp.
Đặc biệt, khi phong trào bóng đá ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, sân vận động Gò Đậu đã trở thành sân nhà của CLB Becamex Bình Dương từ năm 1990 cho đến nay. Với vai trò là "thánh địa" của đội bóng giàu thành tích bậc nhất V-League, sân vận động này không chỉ là nơi diễn ra các trận đấu sôi động mà còn là biểu tượng thể thao của Bình Dương.
Sân vận động Gò Đậu được thiết kế với 4 khán đài, có tổng sức chứa lên đến 18.250 chỗ ngồi. Đến nay, sân vẫn giữ vị trí là một trong những công trình thể thao hiện đại bậc nhất không chỉ của khu vực phía Nam mà còn của cả nước, là điểm đến quen thuộc cho những sự kiện thể thao lớn và đầy kịch tính.
Không chỉ là "ngôi nhà" của CLB Becamex Bình Dương trong các giải đấu V.League và Cúp Quốc gia, sân Gò Đậu còn là nơi tổ chức nhiều giải đấu thường niên quan trọng, như BTV Cup và các giải trẻ Việt Nam.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)