Tọa lạc tại vị trí trung tâm tỉnh Cà Mau, sân bay Cà Mau hiện nay nắm giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch cũng như đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh và cả những địa phương lân cận.
Tỉnh Cà Mau vốn là địa phương được biết đến với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng cùng tiềm năng du lịch lớn. Việc phát triển sân bay Cà Mau giúp cho những nguồn tài nguyên này đã được khai thác tối ưu, đem lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế địa phương, thúc đẩy thành phố Cà Mau vươn lên cấp Đô thị loại 2.
Hiện tại, sân bay Cà Mau đang tiếp đón trung bình khoảng 35.000 lượt hành khách mỗi năm.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt quy hoạch Cảng Hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện tại, sân bay Cà Mau có một đường cất - hạ cánh, chỉ khai thác được các chặng bay ngắn bằng tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Sân bay chỉ có 1 chặng Cà Mau - TPHCM và ngược lại với tần suất 4 chuyến/tuần (tương đương công suất 200.000 khách/năm).
Với quy hoạch vừa mới được phê duyệt, sân bay này sẽ là cảng hàng không quốc nội, dùng chung dân dụng và quân sự.
Cụ thể, từ 2021-2030, sân bay Cà Mau có cấp sân bay 4C (dân dụng kết hợp với quân sự) và sân bay quân sự cấp II. Mỗi năm đón khoảng 1 triệu hành khách và 1.000 tấn hàng hóa; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương.
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Cà Mau giữ nguyên cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II. Công suất được nâng lên khoảng 3 triệu hành khách/năm và 3.000 tấn hàng hóa/năm.
Về hệ thống đường cất hạ cánh, trong thời kỳ 2021-2030, sân bay này được quy hoạch kích thước 2.400m x 45m, trùng tim với đường cất hạ cánh hiện hữu.
Ảnh minh họa sân bay Cà Mau tương lai bằng ứng dụng AI ChatGPT
Giao thông đường bộ và đường hàng không phát triển là cơ hội để du lịch cất cánh. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT
Cà Mau phong phú với hệ sinh thái rừng và biển, cũng như đa dạng các loài động, thực vật, là kho báu sinh vật với hơn 200 loài thủy sản từ hệ sinh thái nước mặn đến nước lợ, nước ngọt.
Địa phương này còn sở hữu nhiều đặc trưng phục vụ phát triển du lịch ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đó là bề dày truyền thống lịch sử và các lễ hội văn hóa dân gian độc đáo.
Nhu cầu du lịch (quốc tế và nội địa) ngày một tăng cùng với sự ổn định về an ninh, chính trị, đặc biệt thị trường nội địa chiếm tỷ trọng rất cao và đây chính là thị trường trọng điểm, có sự ổn định cao của du lịch Cà Mau.
Cà Mau không chỉ gần Phú Quốc và Cần Thơ - trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL, mà còn là một phần của khu vực kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Vùng này có 4 sân bay, trong đó có 2 sân bay quốc tế, có khả năng tạo liên kết tour du lịch quốc tế với Phú Quốc và Cần Thơ, từ đó kết nối du khách đến Cà Mau qua các chuyến bay, hứa hẹn thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế mỗi năm. H
Hạ tầng giao thông đường bộ tại Cà Mau được chú trọng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu kết nối vùng, đồng bộ tới các điểm du lịch chính như Đất Mũi, Khai Long, Hòn Đá Bạc, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Hai tuyến đường chính là đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi và Hành lang ven biển phía Nam được thúc đẩy khai thông, cùng với Cảng HK Cà Mau, tạo vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Hoàng Mai (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)