Nếu như trước đây nguyên tắc phục vụ chung tại các nhà hàng châu Âu là dọn toàn bộ món ăn ra cùng một lúc, thì ngày nay, phong cách này thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, phong cách phục vụ này cũng thay đổi, các món ăn được phục vụ dần thay vì cùng lúc. Hiện nguyên tắc phục vụ này đã được áp dụng tại hầu hết nhà hàng trên thế giới.
Nguyên tắc phục vụ này giúp thực khách ăn ngon miệng hơn và thích thú hơn. Tuy nhiên, hệ thống phục vụ này cũng đi kèm rất nhiều quy tắc ngầm đằng sau đó, đòi hỏi khách hàng phải tuân thủ. Hãy ghi nhớ những lưu ý dưới đây để mình không bị "quê" nhé.
Không biết quy tắc đặt dao nĩa
Dùng dao nĩa sai cách là sai lầm phổ biến của nhiều người. Dùng dao nĩa đúng cách không những giúp bạn ăn ngon miệng hơn, thể hiện mình là người lịch sự, đây còn là "công cụ" để bạn ra dấu với nhân viên phục vụ mà không cần mở lời. "Giao tiếp bằng dao nĩa" trên bàn ăn thực sự là một nghệ thuật tinh tế. Theo cách này, nhân viên phục vụ biết họ cần phải làm gì với món ăn của bạn, bàn ăn sẽ không có vật dụng thừa và những món ăn được dọn lên bàn trong thời gian hợp lý.
Ngoài ra, cách đặt dao nĩa cũng giúp nhân viên nhà hàng, đầu bếp biết được cảm nhận của thực khách. Nếu bạn nhét lưỡi dao vào giữa các thanh nĩa và đặt chúng nằm chéo nhau, điều đó thể hiện bạn cảm thấy thức ăn không ngon.
Dùng nước chấm và gừng không đúng cách
Hầu hết mọi người thường đưa toàn bộ miếng thức ăn vào trong bát nước chấm. Tuy nhiên, người Nhật làm chuyện này hoàn toàn khác, họ chỉ lấy một chút nước chấm ở phần đáy và chấm nhẹ một chút.
Gừng, gia vị truyền thống trong các món ăn Nhật Bản, không được ăn kèm sushi. Giữa các món, bạn nên dùng gừng để tẩy vị của món ăn trước, giúp bạn không bị lẫn vị khi ăn món kế tiếp. Với wasabi, bạn không nên ăn quá nhiều nếu không muốn vị cay xộc thẳng lên mũi và không thể cảm nhận hương vị của sushi.
Giúp phục vụ bàn dọn bàn, đồ ăn
Nhiều người nghĩ rằng sau khi dùng bữa xong, việc chồng các chén hoặc đĩa lên nhau sẽ giúp cho những người phục vụ dễ dàng lấy chúng. Nhưng thực tế, điều này còn khiến công việc thu dọn trở nên phức tạp hơn, thậm chí còn làm chén đĩa dễ bị nứt mẻ.
Khi vô tình làm rơi đĩa, bát hoặc cốc, bạn đừng cố nhặt các mảnh vỡ trên sàn nhà, sẽ rất dễ bị đứt tay. Các nhân viên phục vụ sẽ xử lý giúp bạn bằng những vật dụng chuyên dụng.
Gọi món không có trong thực đơn
Đôi khi, khách yêu cầu nhân viên phục vụ mang đến cho họ một món ăn không có trong thực đơn. Tất nhiên, nhiều nhà hàng có thể vẫn phục vụ theo yêu cầu riêng của khách nhưng bạn nên tránh điều này vì nhiều lý do.
Đầu tiên là giá của món ăn không có trong menu sẽ đắt hơn. Và việc bất ngờ yêu cầu một món ngoài thực đơn sẽ khiến nhà hàng có thể chế biến không chuẩn hương vị bởi nguyên liệu chưa được chuẩn bị trước.
Ăn trước khi mọi người chưa sẵn sàn trong bữa tiệc
Quy tắc thưởng thức ẩm thực có đề cập rằng khi ăn theo nhóm trong một nhà hàng, chỉ nên bắt đầu bữa ăn sau khi bồi bàn đã mang hết đồ ăn cho mọi người. Nghĩa là dù đĩa bít-tết của bạn được dọn lên trước, bạn vẫn nên đợi món mỳ Ý của mọi người dọn ra đã.
Ngoài ra, cần nhớ rằng không nên ăn quá nhanh, mà giữ sao cho tốc độ ăn khớp với những người cùng bàn.
Mang rượu theo khi vào nhà hàng
Các nhà hàng thường có quy định khách không được mang theo rượu, bia. Và giá cho mỗi chai rượu trong nhà hàng cũng không cao hơn là bao so với mức giá ở cửa hàng.
Nhưng nếu muốn mang theo rượu vào bàn tiệc, bạn nên thông báo với nhà hàng. Nhiều nhà hàng cho phép khách mang theo rượu nhưng họ sẽ yêu cầu đóng một khoản phí nhất định.
Ngại gói thức ăn thừa mang về
Nhiều người cho rằng khi đi ăn nhà hàng, việc gói đồ mang về là một hành động không đúng. Nhưng việc mang thức ăn còn thừa về là chuyện nên làm bởi chúng ta không nên phí phạm đồ ăn. Thậm chí, nhiều nhà hàng còn chuẩn bị sẵn cả những túi, hộp chuyên dụng để thực phẩm thừa.
Nhưng có một quy tắc ngầm khi mang đồ ăn thừa về, đó là không nên tìm cách mang những món đã dùng dở. Bạn nên chọn lọc những gì cần mang theo và những gì nên để lại.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)