Nhìn từ bản đồ vệ tinh, sa mạc Sahara có màu vàng tổng thể, tương phản rõ rệt với Trung Phi, nơi được bao phủ bởi cây xanh ở phía nam. Vậy sa mạc Sahara hình thành như thế nào? Nó sâu bao nhiêu? Nếu đào hết cát thì còn lại gì?
Các nhà địa chất khoan dầu ở sa mạc Sahara phát hiện độ sâu của sa mạc dao động từ vài mét đến hàng trăm mét, độ sâu trung bình là 150 mét. Do ảnh hưởng lâu dài của gió, cát tích tụ thành cồn cát, một số cồn cát có thể cao tới 180 mét.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ sa mạc Sahara là cát. Chỉ có khoảng 1/5 diện tích là cát, phần lớn còn lại là đá lộ thiên, cao nguyên cằn cỗi, đồng bằng sỏi, đầm lầy muối và vùng trũng. Điểm cao nhất ở Sahara là núi Kusi, với độ cao 3.415 mét, ngọn núi lửa đã tắt này hoạt động khoảng 1 triệu năm trước.
Nếu cát từ sa mạc Sahara bị đào lên, thứ còn lại sẽ là một lớp đá cứng đầu. Bởi vì sa mạc nằm ở tầng trên cùng của vỏ trái đất, độ sâu của vỏ trái đất có thể lên tới hàng chục km. Điều này cũng giống như đại dương dù sâu hàng nghìn mét nhưng đáy vẫn là lớp vỏ.
Ẩn dưới sa mạc Sahara là tàn tích của các sinh vật thời tiền sử và tàn tích của nền văn minh nhân loại cổ đại. Bất chấp môi trường khắc nghiệt, Sahara không phải lúc nào cũng như vậy. Xưa kia, đây là vùng đất màu mỡ đã sinh ra cuộc sống trù phú và văn minh.
Mặc dù Mặt Trăng giúp giữ cho trục Trái Đất ổn định nhưng độ nghiêng của trục Trái Đất thay đổi từ từ, được gọi là tiến động trục của Trái Đất. Hiện tại, độ nghiêng của trục Trái đất là 23,43°, so với 24,14° cách đây 10.000 năm. Sự thay đổi này làm giảm diện tích ánh nắng trực tiếp và ảnh hưởng đến vị trí của gió mùa Bắc Phi khiến lượng mưa ít hơn. Khoảng 5.000 năm trước, sa mạc Sahara bắt đầu phát triển từ một đồng cỏ màu mỡ thành sa mạc khô cằn. Sahara có thể trở thành đồng cỏ sau 15.000 năm nữa.
Lê Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)