Dưới những tình tiết gây hiểu lầm của “Tùy Đường diễn nghĩa”, rất nhiều người đã nghĩ Dương Quảng suốt ngày chỉ trốn ở Dương Châu ăn chơi hưởng lạc, lúc nào cũng say khướt, cuối cùng chết thảm. Ông dường như là một nhân vật phản diện số 1 trong “Tùy Đường diễn nghĩa”, ngoài ông ra, tất cả đều là “anh hùng cái thế”. Kiểu bôi đen vua Tùy Dạng Đế như vậy từ xưa tới này vẫn luôn xuất hiện không ngừng.
Trên thực tế, vua Tùy Dạng Đế có thực sự hoang dâm bạo ngược như vậy không? Nhà sử học Trung Quốc nổi tiếng Dương Vũ Nhân đã đánh giá vua Tùy Dạng Đế như thế này: "Vị vua thứ hai của triều Tùy - Dương Quảng hoàng đế mới tài năng cái thế, làm việc nhanh gọn, không lưỡng lự, rất quả quyết". Dương Quảng từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, thơ từ văn chương cái gì cũng giỏi.
Khi Dương Kiên vẫn là đại thần của Bắc Châu, Dương Quảng đã được phong làm Quận Công ở Nhạn Môn. Sau khi Dương Kiên kế vị, Dương Quảng được thăng lên làm Tấn Vương, khi ấy Dương Quảng mới 13 tuổi. Khai Hoàng năm thứ 8, Dương Quảng đã lập được nhiều công lao hiển hách cho nhà Tùy, khiến nhiều người công nhận và tán thưởng. Sau này các sĩ tộc Giang Nam thông minh cơ trí phản loạn, Dương Quảng đem quân đi bình định một cách thuận lợi.
Trong cuộc chiến với tộc Đột Quyết, ông cũng đã thể hiện tài năng và thân thủ của mình, một trận xử lý nhanh gọn. Chức quan và địa vị của ông liên tục được nâng cao, vì trong những hoàng tử ông là người lập được nhiều chiến công nhất. Tuy nhiên, có Thái Tử Dương Dũng ở đó, cho dù ông có làm thế nào cũng không thể trở thành người thừa kế ngai vàng.
Dương Quảng là người rất biết cách tỏ ra ngoan ngoãn, trước mặt mẫu hậu biết cách lấy lòng. Trời sinh ông biết cách quan sát sắc mặt người khác, biết Văn Đế thích tiết kiệm, còn Độc Cô Hậu lại cực kỳ hận đàn ông có 5 thê 7 thiếp, thích đàn ông chung tình nên ông chỉ sống với một mình Vương Phi Tiêu Thị, không nạp thêm vợ lẽ. Cho dù là có thì khi Độc Cô Hậu và Tùy Văn Đế tới thăm đều sẽ giấu hết đi. Bình thường ăn mặc cũng rất giản dị, cực kỳ được vua và hoàng hậu yêu mến.
Còn Thái Tử Dương Dũng lại cực kỳ xa hoa, hoang phí, lại ham mê nữ sắc, cũng không có ý làm vui lòng vua cha và mẫu hậu, cứ thích làm theo ý mình. Hành động của ông khiến Độc Cô Hậu bất mãn, dần dần Văn Đế cũng có ý định phế thuất Thái Tử. Đương nhiên, những điều này vẫn chưa đủ, Dương Quảng liên thủ với những đại thần bất hòa với Thái Tử trong triều, trong đó có đại thần Dương Tố nổi tiếng.
Dương Tố thường xuyên vạch trần chuyện xấu của Thái Tử nên đã khiến Văn Đế càng muốn phế truất. Khai Hoàng năm thứ 20, Dương Dũng bị phế làm thường dân, phe phái của Thái Tử cũng bị diệt trừ, Dương Quảng đã được như ý muốn. Sau này lại có đoạn kịch “giết cha hại huynh” trong “Tùy Đường anh hùng truyện”, vậy chuyện này có đúng hay không? Rốt cuộc là sự thật lịch sử hay là cố ý bôi đen?
Ngày càng nhiều học giả cho rằng, Dương Quảng là hoàng đế bị cố tình bôi đen, còn về việc tại sao ông lại bị bôi đen, thực ra cũng có nguyên nhân lịch sử sâu xa. Sau khi Dương Quảng kế vị, lập tức hạ chiếu thư miễn trừ khoa dịch cho phụ nữ và nô tì, thời gian phục dịch của đàn ông cũng ngắn đi. Ông đã lập ra bộ luật “Đại Nghiệp luật” mới, hủy bỏ 10 điều ác trong “Khai Hoàng luật”, sửa đổi một vài hình phạt nặng chuyển thành nhẹ.
Trong chế độ giáo dục, Dương Quảng bắt đầu lập ra chế độ khoa cử, phát triển phương pháp chia khoa thi cử để chọn lựa nhân tài tăng khoa thi tiến sĩ. Chế độ khoa cử này cũng được kéo dài tới mãi năm 1905 - thời của vua Quang Tự triều Thanh mới kết thúc, có cống hiến to lớn cho chính sách giáo dục và bồi dưỡng nhân tài trong thời cổ đại Trung Quốc. Về chính trị, ông đã phá hủy được cục diện các tập đoàn lũng đoạn thị trường, sử dụng lại các quan viên của tập đoàn phương nam như Ngu Thế Cơ, Bùi Uẩn.
Dương Quảng còn khôi phục lại Quốc tử giám, Thái học,… mà Văn Đế hủy bỏ. Có thể thấy, ông không những thông minh hơn người mà còn cực kỳ tài giỏi, cũng rất chăm chỉ cần mẫn, đồng thời cũng không hề hoang dâm vô độ như nhiều người nghĩ. Để tiêu diệt tàn tích phân chia cuối thời Tây Tấn, củng cố thống trị triều Tùy, Dương Quảng quyết định xây dựng Lạc Dương ở miền Đông, dùng hơn 2 triệu người, công trình hoàn thành sau 1 năm.
Dương Quảng đã làm một việc kinh thiên động địa, việc này đã khiến ông bị người đời mắng nhiếc thậm tệ mãi cho tới ngày hôm nay. Chính là vào năm 605 sau công nguyên, để tăng cường sự thống trị đối với phương Nam, Dương Quảng đã chưng dụng rất nhiều dân công, trải qua 6 năm, mở ra một tuyến đường thủy từ Trác Châu xuống Dư Hàng, tổng cộng dài hơn 5000 dặm. Cả công trình đã sử dụng hơn 150 triệu người dân công, sử sách nói họ đã sử dụng quá nhiều dân lực, vì đào đường kênh chưa tới độ sâu cố định, thế nên đã chôn sống nhiều người. Giả thuyết này có bao nhiêu phần trăm đáng tin?
Điều kỳ cục hơn nữa là ngay cả việc Dương Quảng xuất quân tới Cao Câu Ly cũng có người trách móc, khắp nơi chinh chiến củng cố biên phòng, vốn dĩ là đế vương đời trước lập quốc, đế vương đời sau giữ nước là chuyện thường. Thế nhưng đến đời Dương Quảng lại bị chửi thậm tệ, nói rằng họ đã dùng nhiều thợ mộc để đóng tàu quy mô lớn ở Đông lai, chưa kịp tiến độ, nhiều thợ mộc đã phải ngâm mình dưới nước trong thời gian dài, chết vì mệt hoặc bệnh dịch mà chết.
Trong lần thứ hai chinh phạt Cao Câu Ly đã xảy ra phản loạn, Tùy Dạng Đế chỉ có thể đi trấn áp nội bộ trước, vụt mất thời cơ. Đại nghiệp 10 năm (năm 614 sau công nguyên), Dương Quảng cuối cùng cũng đã đánh thắng Cao Câu Ly. Nhà Tùy đã tiêu tốn toàn bộ nguyên khí, bắt đầu xảy ra nội chiến. Trong lịch sử, Tùy Dạng Đế bị mang tiếng xấu rất lớn, dường như từ đầu đến cuối mọi việc ông làm đều không được tán dương, tại sao lại như vậy?
Phải bắt đầu nói từ “binh biến Dương Châu”, nguyên nhân cái chết thực sự của Tùy Dạng Đế là gì? Tư Mã Quang cho rằng việc hộ giá có xuất hiện binh biến vì đa số binh sĩ là người Thiểm Tây, nhớ nhà không muốn ở Dương Châu lâu nên mới có ý định bỏ trốn. Thực ra đây chỉ là nguyên nhân phụ, quân Kiêu Quả sở dĩ đột nhiên thay đổi ý định là bởi vì trọng thần biên phòng miền Bắc của Đại Tùy, lại đột ngột bán nước cầu vinh, cấu kết với giặc ngoại xâm là quân Đột Quyết xâm lược tổ quốc, còn ký thỏa thuận “chinh phạt tất cả, đàn bà ngọc ngà, tất cả để hết cho Khả Hãn”, để mặc người Đột Quyết vào thuyền cướp bóc chém giết.
Lý Đường và liên quân Đột Quyết công chiếm Trường An tháng 11 năm 617, người thân của quân Kiêu Quả đều ở Trường An, họ không thể chịu được việc vợ con mình bị quân Đột Quyết bắt đi làm nô lệ. Vì thế nên mới nổi dậy mạo hiểm trốn về quê hương, nhưng vốn dĩ cũng không có ý định nổi dậy binh biến. Trên thực tế, vua Tùy Dạng đối xử với binh sĩ rất khoan dung, hậu hĩnh, binh sĩ, quan viên đều không có ý muốn tạo phản, chỉ là muốn không từ mà biệt mà thôi.
Hơn nữa trận binh biến này, tên giở trò ở phía sau đã lợi dụng “lòng phẫn nộ” của binh sĩ mà lên kế hoạch mưu phản. Đây chỉ là do kẻ đứng sau xúi giục, không những lấy việc “Dương Quảng sẽ giết những kẻ nào đào binh” để dọa dẫm mọi người, mà còn dùng tiền tài phú quý để dụ dỗ họ để khiến binh sĩ bán mạng cho mình. Kẻ đứng sau xúi giục chính là Vũ Văn Hóa Cập, là hắn đã dẫn tất cả mọi người tiến vào Tùy Cung để giết Tùy Dạng Đế.
Theo ghi chép trong “Tư trị thông giám”: "Tháng 3 năm 618, Tùy Dạng Đế trốn vào Tây Các, bị Bùi Kiền Thông, Nguyên Lễ, Mã Văn Cử bắt giữ. Dương Quảng nói: “Ta quả thực phụ lòng dân, nhưng còn các ngươi, bán nước cầu vinh thì có khác gì! Chuyện ngày hôm nay ai là kẻ cầm đầu?”. Dương Quảng viễn chinh tới Cao Câu Ly khiến nhân dân bị hao tổn sức lực, thương tật đầy mình, sau này lại khiến thiên hạ đại loạn, bách tính mất nhà, bản thân cũng biết có lỗi với nhân dân.
Nhưng ông cũng đối xử hậu hĩnh với những đại thần bên mình, lúc này họ lại mưu phản, trong lòng cảm thấy cực kỳ uất ức. Vũ Văn Hóa Cập để Phong Đức Di tuyên bố tội trạng của Dương Quảng, Dương Quảng nói: “Khanh là người của ta, hóa ra cũng như vậy mà thôi”. Phong Đức Di từng nhận được hậu ân từ Dương Quảng, không biết trả lời thế nào, cuối cùng chỉ biết xấu hổ lui xuống. Dương Quảng tự biết thế cục hiện nay không thể làm gì được nữa, cuối cùng tự tháo dây đưa cho Hàng Đạt để Hàng Đạt thắt cổ mình đến chết.
Đáng thương thay cho một vị đế vương từng hùng tài đại lược, có nhiều hoài bão, cuối cùng lại chết mà quan tài cũng chẳng có, chỉ có Tiêu Hoàng Hậu và người trong cung tháo giường ra làm một cái quan tài nhỏ, lén lút chôn ông ở ngoài đường Lưu Châu ở cung Giang Đô. Năm 618 sau công nguyên, Dương Quảng qua đời, hưởng thọ 49 tuổi. Sau đó, Vũ Văn Hóa Cập dùng thế lực của mình lập Dương Hạo lên kế vị để dễ kiểm soát, dẫn quân về miền Tây.
Dương Quảng đã mất, Việt Vương Dương Đồng trấn thủ ở Hà Nam dưới sự trợ giúp của Thất Quý Vương Thế Sung đã xưng đế ở Lạc Dương, phong Lý Mật - tên cầm đầu phản loạn làm Đại Úy, chinh phạt Vũ Văn Hóa Cập. Vũ Văn Hóa Cập thua Lê Dương Hà Nam, than rằng: “Cuộc đời dù gì cũng phải chết, vậy thì sao không thử một ngày xưng đế!”. Thế là hắn sát hại Dương Hạo, tự lập mình làm vua, sống một cuộc sống của vua chúa, không lâu sau thì bị binh phản loạn giết.
Từ đây chúng ta đã thấy được chân tướng vụ binh biến. Kẻ xúi giục quân sĩ phản loạn là Vũ Văn Hóa Cập, hắn biến một cuộc không từ mà biệt thành một cuộc mưu sát quân vương có chủ đích, mục đích là để thay đổi triều đại, thực hiện dã tâm chính trị của mình. Nói với nhà Vũ Văn, vốn là gia tộc mà Dương Quảng tín nhiệm nhất, nếu không thì ông cũng không thể nào giao sự an nguy của mình vào tay chúng được.
Cha của Vũ Văn Hóa Cập là Vũ Văn Thuật là bạn thâm giao của Dương Quảng, cũng là công thần lớn nhất giúp Dương Quảng đánh bại đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Dương Dũng. Vũ Văn Hóa Cập từng trong lúc đất nước lâm nguy đem lương thực bán cho quân Đột Quyết, để lại đường lui cho gia tộc của mình. Đây vốn là tội tróc nhà diệt tộc, nhưng Dương Quảng nể tình Vũ Văn Thuật nên đã không truy cứu, chỉ miễn quan của Vũ Văn Hóa Cập mà thôi.
Vũ Văn Thuật trước lúc lâm chung đã khẩn cầu Tùy Dạng Đế, thế nên Dương Quảng đã một lần nữa chấp nhận cho Vũ Văn Hóa Cập làm thị vệ, làm người thân tín bên mình, tiếp quản quân cận vệ hộ thân Kiêu Quả của mình. Chính bởi do Dương Quảng và hai đời nhà họ Vũ Văn có giao thiệp thân thiết, lại có ơn với nhà Vũ Văn, thế nên nhận thấy sự trung thành của anh em nhà Vũ Văn, Dương Quảng mới không đề phòng họ. Thế nhưng, người có thể hại bạn chính là người mà bạn tin tưởng nhất.
Cuối cùng Dương Quảng chỉ có thể ôm hận mà chết. Nhà Vũ Văn không phải là hoàng thất Bắc Châu, chúng phản bội cũng không phải là để phục hưng Bắc Châu, mà chỉ là muốn khôi phục vinh quang của người Tiên Ti mà thôi. Người Tiên Ti từng kiến lập nhà nước to lớn Bắc Châu, Tùy, thế nên đa số người Tiên Ti đều có niềm tự hào và tính dân tộc cực mạnh. Khi người Tiên Ti này chịu theo Dương Kiên tạo phản, kiến lập Đại Tùy vì đó chỉ là việc thay một ông vua mà thôi, quốc gia vẫn là tài sản của người Tiên Ti.
Còn Dương Kiên lại sống giản dị, coi thường văn hóa, khắp nơi đều thể hiện ra thói quen và truyền thống của người Tiên Ti, thế nên luôn được kính ngưỡng. Trong khi đó, Dương Quảng lại sống lâu trong Trung Nguyên, bị ảnh hưởng bởi nền văn minh người Hán. Ông thích thơ văn, lễ nghi nho giáo, mở khoa thi cử, tôn sùng Phật học, còn xây dựng thư viện lớn, có sự đồng tình với nền văn minh người Hán, có khuynh hướng bị “Hán hóa”, hoàn toàn thoát ly văn hóa và truyền thống của người Tiên Ti.
Hơn nữa. Tùy Dạng Đế còn để nhà nước thực hiện bình đẳng và thống nhất, đã phá bỏ tình hình phân chia nam bắc thời đó đã có tác dụng tích cực. Hành động này đã khiến các quý tộc người Tiên Ti cảm thấy cực kỳ bất mãn. Đồng thời, nguồn gốc của người Tiên Ti lại ở vùng Tây Bắc, Dương Quảng lại không muốn lên phía Bắc, dời đô về Giang Nam, từ bỏ phương bắc, điều này càng khiến người Tiên Ti bất mãn.
Huynh đệ nhà Vũ Văn có thể dễ dàng kích động binh biến chính là vì đã lợi dụng quan viên người Tiên Ti trong triều khôi phục lại ước mơ vinh quang của tổ tiên. Đại Tùy không hề diệt vong bởi quân ngoại xâm mà lại bị hủy diệt bởi chính quân nội bộ. Một triều Tùy huy hoàng lại chỉ dừng lại ở 2 đời vua, quả thực khiến người ta tiếc nuối.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)