Con rắn là biểu tượng cho nước, lửa, linh hồn, nhục dục, quyết đoán, đa nghi. Với các nước phương Đông, trong một số nền văn hóa, hình tượng rắn có vị trí quan trọng trong thế giới biểu tượng. Rắn thường thể hiện hình ảnh khác nhau như thần hiền, thần ác, điều tốt, điều xấu, sự hủy diệt, tái sinh, tình yêu.
Loài vật này truyền cảm hứng cho những món đồ trang sức xa xỉ của các nhà thiết kế danh tiếng trên thế giới. Chiếc vòng cổ hình con rắn được thiết kế bởi người sáng lập Frédéric Boucheron cho vợ ông là Gabrielle.
Tuy nhiên, ý tưởng này không phải là mới. Chính đồ trang sức của nữ hoàng Cleopatra hơn 2.000 năm trước đã truyền cảm hứng cho Bvlgari tạo ra chiếc đồng hồ trang sức Serpenti. Kể từ đó, hình tượng con rắn uốn lượn đã được chứng minh là phù hợp tuyệt đối với đồ trang sức của hãng trang sức danh tiếng này.
Thủy Tiên cũng từng gây ấn tượng khi xuất hiện với chiếc đồng hồ rắn quấn quanh tay.
Ở các nước trên thế giới, rắn cũng mang ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp. Ngày xưa người Ai Cập thường xem rắn như là một vị thần linh tối cao, vị thần hộ mạng cho các nhà vua, do đó trên các vương miện của các vua pharaoh Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hay đá quý.
Ở Hy Lạp, y học dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh tật. Theo thần thoại cổ Hy Lạp, vị thần Esculape, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ ngành y dược, trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đưa cây gậy ra, con rắn bám lấy và bò lên quấn quanh cây gậy của ông. Thấy vậy, thần Esculape lấy cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn. Nhưng, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược để cứu con rắn kia. Cũng từ đây, ông tìm kiếm các loại cây cỏ trên núi để chữa bệnh cứu sống con người. Vì vậy, để khắc họa vị thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn chung quanh.
Chính vì thế, không có gì lạ khi trang sức mang hình con rắn ngày càng phổ biến cho đến ngày nay.
Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)