Rắn là tên gọi chung của nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, không chân thân hình tròn dài. Giống như các loại động vật có vảy khác, rắn là động vật có xương sống, không có mí mắt và tai ngoài. Phần quai hàm có cấu tạo linh động giúp chúng có thể nuốt những con mồi to lớn hơn nhiều so với đầu của mình.
Rắn săn mồi bằng 2 cách, dùng nọc độc làm tê liệt con mồi (ở rắn độc) và quấn xiết con mồi (ở rắn không có độc). Tuy nhiên đa số các loài rắn không có độc, chúng thường tránh xa con người và chỉ tấn công khi bị khiêu khích. Do không có chân nên chúng di chuyển chủ yếu theo hình thức bò trườn. Các kiểu di chuyển cũng rất đa dạng như sóng ngang, uốn lượn nghiêng hoặc bơi,… Nọc độc ngoài chức năng săn mồi còn là vũ khí tự vệ của rắn. Rắn có thể tìm thấy ở mọi châu lục (ngoại trừ Châu Nam Cực) và mọi địa hình, thậm chí trong lòng đại dương hay những nơi có độ cao tới 4900 mét.
Ở Việt Nam có rất nhiều loại rắn, từ rất độc đến rắn không độc, nhưng để phân biệt được các loại rắn phải là những người am hiểu về nó. Đặc biệt, rắn cạp nong và rắn cạp nia có phải cùng một loại hay không, hay cách phân biệt chúng thì không phải ai cũng biết.
Rắn cạp nong và rắn cạp nia có phải cùng một loại?
Cạp nong và cạp nia là 2 trong những loài rắn cực kỳ quý hiếm trên thế giới và loài rắn này cũng có giá trị kinh tế cao. Nhưng rắn cạp nong và cạp nia là loài rắn cực kỳ độc, chúng có thể gây ra cái chết nhanh cho những đối tượng mà bị loài rắn này cắn phải.
Rắn cạp nia và rắn cạp nong đều là hai loài rắn thuộc chi Bungarus, chúng có ngoại hình khá giống nhau và nọc độc nguy hiểm thì cũng chẳng hề kém cạnh nhau là bao. Cùng thuộc họ rắn họ Rắn hổ, có kích thước và ngoại hình na ná nhau, người ta phân biệt rắn cạp nong và cạp nia nhờ màu sắc cơ thể khác biệt của chúng. Như vậy, rắn cạp nong và rắn cạp nia là 2 loại hoàn toàn khác nhau.
Cách phân biệt rắn cạp nong và rắn cạp nia
Rắn cạp nong có màu vàng đen
Rắn cạp nong hay còn gọi rắn đen vàng, rắn ăn tàn, tu cáp đổng, ngù tắm tàn... (danh pháp hai phần: Bungarus fasciatus) là một loài rắn cạp nia sinh sống ở Ấn Độ, Bangladesh, Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Nó là loài dài nhất trong chi Cạp nia. Đây là loài rắn độc. Loài rắn cạp nong này có mặt ở toàn bộ tiểu vùng Ấn Độ - Trung Quốc, bán đảo Malaysia và Nam Trung Quốc.
Rắn cạp nong sinh sống ở nhiều loại môi trường sống, từ núi đất, rừng thưa, trảng cỏ, ven khe suối, nương rẫy. Chúng sinh sống trong gò mối và hang của động vật gặm nhấm, trong hốc cây, hẻm đá. Rắn cạp nong sống đơn lẻ, ban ngày chúng cuộn mình trong các hang, đám cỏ, và thường rất chậm chạp. Chúng thường được thấy khi trời mưa. Ban đêm rắn hoạt động và đi kiếm ăn ở bờ ruộng gần rừng, ven khe suối, vũng nước. Cạp nong không săn đuổi mồi mà chúng thường nằm chờ cho con mồi đi qua. Chúng bơi giỏi và thường bò theo ánh lửa.
Kích thước cơ thể trung bình dài trên 1m, đặc điểm nhận dạng là những khúc màu đen - vàng khá đều nhau, nằm xen kẽ làm vẻ ngoài của loài rắn này rất nổi bật. Đầu rắn cạp nong lớn và ngắn, mắt tròn. Đuôi của chúng ngắn, mút đuôi tròn, giữa sống lưng có một gờ dọc. Nọc độc của chúng mạnh đến nỗi được cho rằng trên tầm rắn hổ mang. Lớp vảy ở sống lưng của rắn cạp nong có hình sáu cạnh, lớn hơn vảy bên.
Rắn cạp nia có màu trắng đen
Rắn cạp nia hay rắn hổ khoang, rắn vòng bạc (danh pháp hai phần: Bungarus candidus) là một loài rắn cạp nia thuộc họ Rắn hổ. Loài này được mô tả năm 1758 bởi Linnaeus. Loài này phân bố ở Campuchia, Indonesia (Java, Sumatra, Bali, Sulawesi), Malaysia (Malaya), Singapore, Thái Lan, Việt Nam.
Cũng giống như rắn cạp nong, cơ thể một con rắn cạp nia trường thành cũng dài hơn 1m, nọc của nó chứa chất kịch độc có khả năng giết người trong chớp mắt. Màu sắc của rắn cạp nia lại là khoang đen - trắng xám. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đến đuôi khá phẳng, hẹp dần thành điểm nhọn. Những con rắn cạp nia thường được phát hiện ở khu vực đồng cỏ, các cánh rừng rậm rạp.
Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)