Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Rằm tháng Giêng. Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 7, ngày 24/2 dương lịch.
Vào ngày Rằm tháng Giêng hiều người sẽ chọn đi lễ chùa, lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử vào ngày Rằm tháng Giêng để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Vào dịp này, các gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Các thành viên trong nhà có thể tụ họp, cùng nhau ăn bữa cơm thân mật đầu năm. Vì được coi là Tết muộn nên nhiều nơi cũng gói bánh chưng và các loại bánh truyền thống khác giống như dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, trước đây vào đêm 15/1 âm lịch, nhà nhà sẽ treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ, làm lễ cúng Rằm. Hiện nay, phong tục liên quan đến ngày Rằm tháng Giêng cũng thay đổi nhiều. Tuy nhiên, các việc như làm lễ cúng tại gia đình, đi chùa cầu bình an vẫn được nhiều người duy trì.
Ít người biết, Rằm tháng Giêng còn có nhiều tên gọi khác:
Ngày Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên Tiêu. Trong đó, "nguyên" là thứ nhất, "tiêu" là đêm. Nguyên tiêu tức là chỉ đêm Rằm đầu tiên trong năm.
Ngoài ra, Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Thượng Nguyên, còn Rằm tháng 7 là Tết Trung Nguyên, Rằm tháng 10 là Tết Hạ Nguyên.
Có quan niệm cho rằng Tết Nguyên Tiêu bắt đầu từ việc đồng áng của người nông dân. Sau ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, người nông dân sẽ bắt đầu quay trở lại với công việc cày bừa, chăn nuôi. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng biết ơn đối với thần linh, tổ tiên đồng thời cầu một năm mưa thuận gió hòa, đồng áng thuận lợi, mùa màng bội thu.
Một số tài liệu khác cũng cho rằng Rằm tháng Giêng còn gắn với hoạt động của Phật giáp. Đây là đêm đức Phật giáng lâm nên người theo đạo Phật thường đi chùa cầu an, cầu may, nghe thuyết pháp...
Cũng có tích cho rằng, vào ngày Rằm tháng Giêng, có một vị vua sẽ mời các trạng nguyên vào hầu triều. Mọi người trò chuyện đầu năm và tham dự yến tiệc cùng nhà vua.
TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng Tết Nguyên Tiêu có bắt nguồn từ những sự tích của Trung Quốc. TS Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa, ĐH KHXH&NV cũng cho biết có nhiều câu chuyện giải thích về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Rằm tháng Giêng. Trong đó, câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa được truyền tai nhiều nhất.
Truyện kể rằng, vào đời Hán, một cung nữ trẻ không được phép về nhà thăm cha mẹ vào ngày 15/1 âm lịch. Vì chuyện này, cô cảm thấy vô cùng đâu buồn và có ý định lao xuống giếng. Một vị quan cận thần của Hoàng đế thấy điều này và cảm động trước sự hiếu thảo của cô gái nên đã bày ra một kế. Ông tấu với vua rằng thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành vào ngày 16/1 âm lịch. Để tránh tai họa, vị quan nói rằng người dân phải treo đèn lồng trước cửa nhà và ngoài được trước một ngày. Khi đó, nhà vua ra lệnh, vào ngày 15/1 âm lịch, mọi nhà đều phải treo đèn lồng. Như vậy, cô gái trẻ có thể trốn về nhà thăm cha mẹ trong lúc mọi người mải ngắm đèn lồng và không ai phát hiện ra sự vắng mặt của cô gái trong cung.
Trong khi đó, truyền thuyết khác lại kể rằng Ngọc Hoàng có một con thiên nga và người rất yêu quý nó. Trong một lần bay xuống hạ giới chơi, thiên nga bị thợ săn bắn chết. Tức giận vì điều này, Ngọc Hoàng sai quan thiên đình xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới đúng ngày 15/1. Tuy nhiên, một số vị thần không đồng ý với quyết định của Ngọc Hoàng liền xuống hạ giới để tìm cách cứu chúng sinh. Các vị thần bày kế, vào đúng ngày Rằm tháng Giêng, nhà nhà sẽ treo đèn lồng ngoài cửa, ngoài đường và bắn pháo hoa. Khi đó, Ngọc Hoàng nhìn xuống sẽ tưởng nhà cửa, làng mạc bị phóng hỏa. Nhờ kế sách này, hạ giới thoát khỏi tai họa.
Ở Việt Nam, Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng. Dân gian còn cho rằng "cúng cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng". Ngày này còn được coi là Tết muộn. Vào dịp này, những người bị ốm hoặc không có mặt ở nhà trong dịp Tết Nguyên đán có thể về sum họp với gia đình, cùng nhau chúc mừng năm mới, cầu mong năm mới thuận lợi, bình an.
* Thông tin mang tính chất tham khảo
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)