Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư là quy định về tiền lương tháng làm căn cứ để tính hưởng các chế độ trợ cấp. Cụ thể, đối với chế độ trợ cấp một lần được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và điểm d khoản 1 Điều 4 của Thông tư 25/2025/TT-BQP, tiền lương tháng dùng để tính hưởng sẽ là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của 5 năm cuối (tương đương 60 tháng) trước thời điểm sĩ quan nghỉ hưu. Đáng chú ý, khi tính mức bình quân này, tiền lương sẽ được chuyển đổi theo chế độ tiền lương hiện hành tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo sự công bằng và phù hợp với thực tế.
Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 25/2025/TT-BQP, hướng dẫn chi tiết về cách tính tiền lương và các chế độ trợ cấp áp dụng cho sĩ quan quân đội khi chuyển ngành (Ảnh minh hoạ)
Đối với một số trường hợp khác, tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần được xác định khác. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5, Điều 7, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6, khoản 1 Điều 7, khoản 3 Điều 8 của Thông tư này, tiền lương căn cứ là tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước thời điểm sĩ quan nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, nghỉ theo chế độ bệnh binh, hy sinh, từ trần, hoặc chuyển sang công chức quốc phòng. Trong trường hợp sĩ quan nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hoặc sau thời gian bị mất tích, tuyên bố chết hoặc tử hình, thì tiền lương tháng đóng BHXH sẽ được lấy của tháng gần nhất trước các thời điểm này.
Thông tư cũng làm rõ, tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần trong các trường hợp nêu trên bao gồm các thành phần: tiền lương theo cấp bậc quân hàm, các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Bên cạnh quy định về tiền lương, Thông tư 25/2025/TT-BQP còn đề cập đến các chế độ, chính sách cụ thể đối với sĩ quan chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Các chính sách này được thực hiện theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định số 52/2025/NĐ-CP.
(Ảnh minh hoạ)
Một trong những điểm đáng chú ý là quy định về miễn thi tuyển. Sĩ quan sẽ được miễn thi tuyển khi chuyển ngành nếu thuộc một trong hai trường hợp: Thứ nhất, sĩ quan nguyên là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của Nhà nước và được chuyển về chính các cơ quan, đơn vị đã công tác trước khi nhập ngũ. Thứ hai, sĩ quan chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đồng thời được sắp xếp công việc phù hợp với ngành nghề chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo trong quân đội.
Ngoài ra, sĩ quan khi chuyển ngành cũng sẽ được đơn vị cũ cấp tiền tàu xe (theo loại vé thông thường) để di chuyển đến cơ quan mới nhận công tác. Những quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho sĩ quan quân đội khi chuyển sang môi trường làm việc mới, góp phần ổn định đời sống và công tác sau khi rời quân ngũ.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)