Theo thông tin từ Global Times, Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc, thuộc Bộ Tài nguyên Thiên nhiên, công bố các phát hiện quan trọng tại các tỉnh Cam Túc, Khu tự trị Nội Mông và tỉnh Hắc Long Giang. Ước tính, tổng cộng 168 tấn tài nguyên vàng mới đã được xác định, với 102,4 tấn tại Cam Túc (được xếp loại là một mỏ "siêu lớn"), 41,3 tấn tại Nội Mông và 24,3 tấn tại Hắc Long Giang.
Trung Quốc lại phát hiện mỏ vàng khổng lồ (Ảnh minh hoạ)
Trước đó, vào cuối tháng 11/2024, Viện Địa chất tỉnh Hồ Nam cũng đã công bố một đột phá lớn trong quá trình thăm dò Mỏ vàng Wangu tại huyện Bình Giang, Hồ Nam. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện hơn 40 mạch vàng trong địa tầng ở độ sâu hơn 2.000 mét dưới lòng đất. Tổng trữ lượng vàng được phát hiện tại khu vực thăm dò lõi lên tới 300,2 tấn. Các chuyên gia dự đoán tiềm năng của mỏ vàng Wangu còn lớn hơn nhiều, với trữ lượng có thể vượt quá 1.000 tấn ở độ sâu 3.000 mét, ước tính giá trị tài nguyên lên tới 600 tỷ Nhân dân tệ (NDT) dựa trên giá vàng hiện tại.
(Ảnh minh hoạ)
Những khám phá này đã góp phần làm tăng đáng kể trữ lượng vàng của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, việc đánh giá lại tài nguyên khoáng sản gần đây đã dẫn đến sự gia tăng hơn 1.200 tấn dự trữ vàng, tương đương với việc phát hiện ra 60 mỏ vàng mới lớn.
Do đó, dự trữ vàng của Trung Quốc đứng thứ sáu trên toàn cầu với 2.264 tấn (năm 2024), sau Hoa Kỳ (8.133 tấn), Đức (3.352 tấn) và Ý (2.452 tấn). Sự gia tăng đáng kể này đã củng cố vị thế của Trung Quốc trên bảng xếp hạng toàn cầu và tăng cường sức mạnh kinh tế của quốc gia.
(Ảnh minh hoạ)
Wang Guoqing, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu thông tin thép Lange Bắc Kinh, nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự trữ vàng quốc gia trong việc quản lý khủng hoảng, ổn định tỷ giá hối đoái và hỗ trợ hệ thống thanh toán. Theo ông, dự trữ vàng dồi dào không chỉ là một biện pháp phòng ngừa lạm phát, mà còn đảm bảo sự ổn định trong thời kỳ kinh tế bất ổn, củng cố sự độc lập kinh tế của một quốc gia.
Tuấn Nguyễn (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)