Chất lượng quần áo kém hơn chúng ta tưởng
Đã bao giờ bạn tự hỏi thời ông bà, bố mẹ chúng ta mỗi người chỉ cần 2-3 bộ quần áo thay nhau mặc cả năm. Thế nhưng với chúng ta thì mua sắm mỗi tuần, mỗi tháng vẫn thấy không đủ mặc.
Một mặt vì xu hướng thời trang, thích ăn diện, mặt khác vì chất lượng quần áo ngày nay có vẻ kém hơn xưa nhiều: từ khuy áo, hình in, màu sắc…Nhiều nhà sản xuất tập trung vào những sản phẩm rẻ tiền nhưng nhanh cũ khiến chúng ta phải mua sắm thường xuyên hơn.
Mua đồ giảm giá
Nhìn thấy giảm giá 30, 50% sẽ khiến bạn sẵn sàng mở hầu bao với cả những món đồ bạn không thực sự cần hoặc chưa từng có ý định mua chúng.
Bạn cho rằng các đợt siêu giảm giá là để nhãn hàng giải phóng hàng tồn kho hoặc nhanh bán hết hàng để ra đợt hàng mới? Thực tế thì không hẳn vậy. Không ít cửa hàng dùng thủ thuật tăng giá trước đợt giảm giá. Có nghĩa là dù bộ đồ được giảm đến 30-50% thì vẫn bằng giá ban đầu.
Một số cửa hàng khách thì dùng chiêu giảm tới 70%. Thực tế khi đến cửa hàng thì bạn sẽ chỉ tìm thấy một vài sản phẩm cũ, lỗi mốt giảm sâu như vậy, còn hàng mới thì giảm chưa đến 10%.
Thay đổi xu hướng mỗi tuần
Thời trang thay đổi mỗi tuần, mỗi tháng. Vì thế mà các nhà sản xuất luôn tập trung cho ra bộ sưu tập mới để kích cầu mua sắm. Để ý ma-nơ-canh ở các cửa hàng thời trang, bạn sẽ thấy chúng được thay trang phục liên tục, đó cũng chính là cách kích thích khách mua sắm nhiều hơn.
Bạn nghĩ rằng nếu không mua sắm thì quần áo sẽ bị lỗi mốt. Thực tế là bộ quần áo đó chỉ bị lỗi mốt tạm thời bởi thời trang là một vòng tròn, xu hướng cũ sẽ trở lại trong tương lai. Năm nay chiếc quần ống loe của bạn lỗi mốt nhưng 2-3 năm sau xu hướng đó có thể lại quay trở lại.
Để hàng lộn xộn có chủ đích
Bạn đã bao giờ để ý khu vực bán hàng trở nên hỗn loạn với quần áo chất thành đống? Điều này được thực hiện nhằm mục đích khiến khách hàng cảm thấy vui vì đã tìm được món hời trong mớ hỗn độn đó và chạy đi mua ngay.
Kích thước tùy thuộc vào thương hiệu
Các nhà sản xuất khác nhau có các thang kích thước khác nhau. Do đó, bạn sẽ có thể vừa với một món đồ nhỏ ở một cửa hàng nhưng khó có thể nhét mình vào một món đồ vừa ở cửa hàng khác. Một số nhà sản xuất thậm chí còn hạ size quần áo xuống để kích thích khách hàng mua. Bạn đang mặc size M, nếu thử vừa một chiếc váy size S sẽ khiến bạn hưng phấn và muốn mua chiếc váy đó.
Hàng thiết kế không hẳn tốt hơn hàng đại trà
Các thương hiệu lớn thích hợp tác với các nhà thiết kế nổi tiếng để dễ dàng quảng bá cho sản phẩm. Các mặt hàng độc quyền cũng khiến khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn so với hàng đại trà.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hàng thiết kế và hàng đại trà chỉ nằm ở kiểu dáng "không đụng hàng" mà thôi, còn chất lượng của chúng chưa chắc đã hơn hàng đại trà.
Thiên Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)