Biến đổi khí hậu, môi trường sống đột ngột biến mất, chuỗi thức ăn bị phá vỡ cùng rất nhiều yếu tố khác có thể khiến sinh vật rơi vào bờ vực tuyệt chủng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhiều loài động vật tưởng chừng đã tuyệt chủng hàng trăm năm, hàng ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm bỗng nhiên "trở về từ cõi chết" một cách ngoạn mục.
National Geographic đã lên danh sách 8 sinh vật tưởng đã tuyệt chủng nay được giới khoa học tìm thấy còn sống sót ở ngoài tự nhiên.
Nguồn: Geographical Magazine
Ngày 17/2/2019, tổ chức Sáng kiến Phục hồi Rùa khổng lồ (GTRI) đã tìm thấy một "cụ rùa" cái khổng lồ Fernandina trên hòn đảo Fernandina, thuộc quần đảo Galápagos, nam Thái Bình Dương.
Theo nhận định của các nhà khoa học, rùa khổng lồ Fernandina (danh pháp khoa học: Chelonoidis phantasticus) đã hơn 100 tuổi và là một cá thể thuộc loài rùa đã không được tìm thấy trong tự nhiên kể từ năm 1906, tức là cách đây 113 năm.
Để bảo vệ rùa Fernandina khỏi nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn từ sự bất ổn định của ngọn núi lửa tại hòn đảo Fernandina cũng như khỏi cặp mắt săn mồi tinh anh của loài diều hầu quần đảo Galápagos, các nhà sinh vật đã di chuyển nó đến Trung tâm nhân giống Fausto Llerena.
Tưởng rằng đã tuyệt chủng được 330 năm, loài chim hải âu Bermuda (danh pháp khoa học: Pterodroma cahow) sống tại hòn đảo Nonsuch được tái phát hiện vào năm 1951.
Đáng mừng hơn nữa, cho đến nay sau nửa thế kỷ sinh sổi nảy nở, từ 18 cặp hải âu Bermuda đã phát triển lên 131 cặp, với 71 chú chim hải âu non nở thành công trong năm 2018.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với sự đa dạng sinh học của đảo Nonsuch nói riêng và thế giới nói chung.
Ngựa Caspi (danh pháp khoa học: Equus ferus caballus) là một giống ngựa nhỏ. Chúng được xem là giống ngựa lâu đời nhất thế giới, có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà1 và đã dần biến mất từ thế kỷ 7.
Câu chuyện ngựa Caspi được tìm thấy sau hàng thế kỷ tưởng đã tuyệt chủng liên quan đến cặp vợ chồng cô Louise Laylin. Năm 1957, Louise Laylin kết hôn với một quý tộc người Iran. Cả hai chuyển đến quê chồng để sinh sống. Tại Tehran, Louise Laylin thành lập một trường cưỡi ngựa dành cho trẻ em.
Sau khi chuyển trung tâm đến vùng núi Biển Caspi, cặp vợ chồng tìm thấy loài ngựa Caspi hiếm có, tưởng đã tuyệt chủng, và mang nó trở về trường cưỡi Norouzabad. Tại đây, Louise Laylin bắt đầu cho nhân giống ngựa Caspi.
Về sau, các con ngựa giống Caspi đều trở thành những "tay đua" thuần thục trên các trường đua tại Tehran.
Giới khoa học tin rằng, cá vây tay (danh pháp khoa học: Coelacanthiformes) đã tuyệt chủng trong Kỷ Phấn trắng cùng với khủng long trong một thảm họa toàn cầu cách đây 66 triệu năm.
Tuy nhiên, việc tìm thấy cá vây tay còn sống năm 1999 đã khiến giới khoa học thế giới bất ngờ. Hai trong số 90 loài cá vây tay được ghi nhận trên thế giới đang sống tại vực thẳm đại dương ngày nay.
Thậm chí, giới thợ lặn thế giới còn phát hiện "quái vật biển" dài 2m, nặng gần 100kg ở nhiều vùng biển trên thế giới, trong đó có Nam Phi, Tanzania, Kenya, Madagascar, Mozambique, Comoros, ở vịnh Sodwana và ở Công viên hải dương quốc gia Bunaken của Indonesia.
Tính cho đến nay, cá vây tay là một bộ cá bao gồm các loài cá có quai hàm cổ nhất còn sống đến ngày nay đã được biết đến.
Loài chim không biết bay bản địa của New Zealand Takahē Đảo Nam (danh pháp khoa học: Porphyrio hochstetteri) được cho là đã tuyệt chủng gần 50 năm trước khi các nhà thám hiểm tìm thấy chúng lần nữa tại khu vực gần hồ Orbell trong Công viên Quốc gia Fiordland, Đảo Nam New Zealand.
Kể từ đó, Chương trình phục hồi chim Takahē đã phát triển các nơi trú ẩn mới, an toàn cho loài chim quý. Năm 2018, lần đầu tiên ba mươi takahē được thả vào tự nhiên sau 100 năm.
Ngay ngoài khơi Australia, ở quần đảo New Caledonia của Pháp tự hào là nơi sinh sống đa dạng nhất của các cấu trúc rạn san hô, đầm lầy ngập mặn hình trái tim, và không chỉ một, mà là hai loài bò sát quý hiếm: Thằn lằn Phoboscincus bocourti và Tắc kè mào Correlophus ciliatus.
Riêng với loài thằn lằn Phoboscincus bocourti, năm 1827 được xem là năm cuối cùng người ta nhìn thấy chúng và kết luận là loài này đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, đến năm 2003, giới khoa học vui mừng thu hồi lại kết luận này bởi họ tình cờ tìm thấy chúng trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Isle of Pines.
Tắc kè mào Correlophus ciliatus.
Với loài tắc kè mào Correlophus ciliatus được phát hiện lại vào năm 1994 cũng trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Isle of Pines sau một thế kỷ kết luận là tuyệt chủng.
Ếch có sừng Gastrotheca cornuta là những sinh vật đặc hữu và đẹp đẽ trong các cánh rừng nhiệt đới vùng Nam Mỹ. Do mất đi môi trường sống ưa thích nên loài này dần biến mất và được cho là đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, năm 2018, các thành viên của Sáng kiến bảo tồn Tropical Herping đã tái phát hiện loài ếch đẹp đẽ này trong một cánh rừng ở Ecuador.
Đặc điểm sinh học kỳ lạ của loài này là, con cái thời kỳ sinh sản mang trên mình một bọc phôi, phát triển thành những con non hoàn chỉnh mà không phải là nòng nọc.
Đối với các nhiếp ảnh gia, ếch có sừng Gastrotheca cornuta là những "người mẫu ăn ảnh".
Lợn lòi peccary (còn gọi là lợn lòi Pecari, lợn hôi, lợn Tân thế giới) được cho là đã tuyệt chủng vào thế Holocen (thế Holocen bắt đầu khoảng 11.700 năm trước).
Năm 1974, một giáo sư sinh học của Đại học Connecticut (Mỹ) tên là Ralph M. Wetzel đã khám phá lại giống lợn đặc hữu vùng Nam Mỹ trong một cuộc thám hiểm nghiên cứu của National Geographic ở đồng bằng Gran Chaco đầy gió cát - một vùng rộng lớn bao gồm một phần lãnh thổ của Paraguay, Argentina và Bolivia.
Hiện nay, vùng lãnh thổ sinh sống của chúng có thể bao phủ một vùng rộng 2.400 mẫu Anh.
Loài này thường lang thang kiếm ăn tại những khu rừng gai, bụi rậm để bảo vệ mình trước nanh vuốt của báo đốm và các tay thợ săn địa phương.
Chú thích:
(1) Lưỡng Hà là tên gọi của một vùng địa lý và của một nền văn minh hệ thống sông Tigris và Euphrates, bây giờ bao gồm lãnh thổ Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran hiện đại.
Theo Ttvn.vn