Thị xã Phú Thọ thuộc tỉnh Phú Thọ và thị xã Quảng Trị trực thuộc tỉnh Quảng Trị hiện là hai thị xã trên cả nước có tên trùng với tên tỉnh. Đây đều là những vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa của nước ta.
Thị xã Phú Thọ - Thị xã lâu đời nhất Việt Nam
Tiền thân của thị xã Phú Thọ ngày nay là một làng Việt cổ mang tên Phú An vào thời vua Hùng thứ 18 (khoảng năm 334 - 258 TCN). Năm 1890, vua Thành Thái đổi tên làng Phú An thành làng Phú Thọ. Năm 1903, toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định biến làng Phú Thọ thành thị xã, nơi đặt trung tâm hành chính của tỉnh.
Thị xã Phú Thọ.
Đến năm 2024, Thị xã Phú Thọ là thị xã lâu đời nhất trong số 51 thị xã của Việt Nam với 121 năm tuổi. Thị xã cách thành phố Việt Trì khoảng 30 km di chuyển, là nơi tiếp giáp giữa đồng bằng sông Hồng và vùng đồi núi, trung du.
Giai đoạn 2021 – 2030, thị xã Phú Thọ được quy hoạch có một loạt các tuyến cao tốc đi qua: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai (CT.05) 6 làn xe; Đường cao tốc Bắc- Nam phía Tây (CT.02) đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ 4 làn xe, đoạn Phú Thọ - Ba Vì (Hà Nội) 6 làn xe cùng đường Hồ Chí Minh. Trong ảnh là nút giao IC9 nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.
Theo bản quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ phát triển hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhiều khu đô thị mới... Hàng chục tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đang được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài hàng trăm km... Quy hoạch đến năm 2030, thị xã Phú Thọ sẽ có 3 trung tâm thương mại, 6 siêu thị và mạng lưới 12 chợ; cùng một cảng thủy nội địa Ngọc Tháp quy mô 1.000 tấn qua sông Hồng.
Phú Thọ không phải là tỉnh duy nhất có thị xã trùng tên tỉnh.
Là địa phương với nền văn hóa lâu đời, thị xã Phú Thọ còn gắn với nhiều lễ hội tại các đình, làng. Lễ hội đền Trù Mật là lễ hội tiêu biểu nhất ở thị xã Phú Thọ. Đền Trù Mật - Chùa Thắng Sơn được xây dựng từ năm Canh Ngọ 970 dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1999, đền Trù Mật - chùa Thắng Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó đến năm 2030, thị xã Phú Thọ sẽ là đô thị loại II, là thành phố trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư, nổi bật trên bản đồ bất động sản khu vực Trung du và miền núi phía Bắc trong thời gian tới.
Thị xã Quảng Trị - Khúc hùng ca bất tử Thành cổ Quảng Trị
Thị xã Quảng Trị là đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh Quảng Trị, một miền quê có bề dày truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử của hơn 200 năm lỵ sở của tỉnh Quảng Trị (1809 - 2025); có Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân các anh hùng liệt sỹ và thu hút khách du lịch tham quan…
Thị xã Phú Thọ.
Thị xã Quảng Trị được lập lại ngày 16/9/1989 theo Quyết định số 134-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở thị trấn Quảng Trị (thuộc huyện Triệu Hải lúc bấy giờ). Khi mới thành lập, thị xã Quảng Trị có 2 phường, gồm Phường 1 và Phường 2 với diện tích tự nhiên là 547 ha và 12.500 nhân khẩu.
Đến năm 2008, thực hiện Nghị định số 31/2008/NĐ-CP ngày 19/3/2008 của Chính Phủ về “Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, huyện Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị; điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường”, thị xã được mở rộng có 5 đơn vị hành chính với diện tích tự nhiên 7.291,6 ha, dân số thị xã đến thời điểm hiện nay khoảng trên 27.000 người; là đô thị loại IV.
Thành tựu nổi bật sau 36 năm lập lại, thị xã Quảng Trị từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiếu thốn và lạc hậu, đến nay, nền kinh tế thị xã phát triển toàn diện.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Từ năm 1809 đến năm 1945, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía bắc. Nơi đây đã ghi dấu một trận chiến 81 ngày đêm bi hùng của quân và dân ta, trở thành khúc tráng ca bất tử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Thành cổ Quảng Trị xưa và nay.
Ngày nay, Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành một điểm tham quan lịch sử không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Quảng Trị. Nơi đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ cho tất cả những người lính đã hy sinh xương máu của mình vì độc lập tự do của tổ quốc. Đến ngày 09/12/2013, Thành Cổ đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt, gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)