Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, phở là món ăn được mọi người nhớ tới đầu tiên. Chính bởi lẽ đó mà mới đây, phở Hà Nội trở thành Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Nói đến phở, chúng ta có thể kể tới như phở bò, phở gà, phở ngan, phở dê, phở trứng,... Nhưng gần đây có một món phở nghe tên rất lạ, là phở treo đang gây chú ý khắp cộng đồng mạng bởi ý nghĩa của nó.
Phở treo là phở gì?
Phở treo là mô hình hoạt động do vợ chồng chị Phan Lệ mở ra, nhằm san sẻ phần nào những bữa ăn chất lượng cho những người yếu thế, người lao động nghèo, những hoàn cảnh khó khăn giữa lòng đô thị. Xuất phát từ hình thức cà phê "treo" dành cho người khó khăn ở Italy trong đại dịch COVID-19 và một vài mô hình cơm "treo" ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ hơn một tháng nay, chị Nguyễn Thị Cát Lệ cùng gia đình đã quyết định thực hiện mô hình này ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Mô hình phở treo gần đây được nhiều người quan tâm, chia sẻ
Có rất nhiều người khi đi qua nơi này đã bị ấn tượng bởi tấm biển đề chữ phở "treo” ở ngoài cửa. Hơn nữa, nhờ vào những video lan tỏa trên mạng xã hội do các nhà sáng tạo nội dung số thực hiện, quán tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều người hơn. Họ tìm đến không chỉ để thưởng thức món ăn mà còn để đăng ký "treo" phở. Số lượng phở “treo” cũng vì thế mà nhận lên gấp bội và lại có thêm nhiều người lao động nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn có một bữa ăn miễn phí.
Ý nghĩa của phở treo?
Để mọi người có thể hiểu rõ hơn về mô hình phở treo, chị Lệ có làm thêm biển ghi dòng chữ: Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương. ''Mình làm biển treo số lên là để những người thực sự cần đi qua có thể thấy và thoải mái ăn mà không cần hỏi quán xem hôm nay còn phở miễn phí không. Số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị những phần ăn đầy đủ, chất lượng cho người có hoàn cảnh khó khăn'', chị Lệ cho biết.
Ý nghĩa của phở treo là sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, ít khi được ăn phở
Hiện tại, quán thực hiện tự "treo" 30 bát mỗi ngày làm từ thiện, số bát còn lại tăng lên là do khách đến ăn treo tiếp. Theo đó, khách đến đây bắt đầu "treo" từ số 31 trở đi. Những suất "treo" còn lại của ngày hôm trước chưa được dùng sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau.
Với những người dân lao động, có hoàn cảnh khó khăn đôi khi họ chẳng dám mơ về những bát phở nóng hổi, ấy vậy sự xuất hiện của quán phở treo ở góc đường Bảo Khánh đã trở thành trạm dừng chân đầy ý nghĩa. Những bát phở "treo" không chỉ giúp những họ có được một bữa ăn ngon, mà còn mang đến cho họ sự ấm áp giữa nhịp sống hối hả nơi phố thị này.
Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)