Biến đất trồng lúa thành đất ở sẽ bị phạt tới 400 triệu đồng
HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 123 của Chính phủ. Nghị quyết này quy định 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt, từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123 của Chính phủ.
TP Hà Nội sẽ phạt 300-400 triệu đồng với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở (Ảnh minh họa).
Với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha trở lên. Với nghị quyết Hà Nội vừa thông qua, mức phạt này sẽ tăng lên từ 300-400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo nghị quyết, cá nhân có hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt 20-60 triệu đồng với diện tích đất từ 3ha trở lên.
Đối với cá nhân có hành vi chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt 300-400 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,5ha trở lên…
Nghị quyết nêu rõ, việc áp dụng mức phạt tăng cường này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ký và ban hành. Đối với các hành vi vi phạm đã lập biên bản trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực, mức phạt vẫn áp dụng theo quy định cũ.
UBND TP Hà Nội nêu việc nâng mức xử phạt là một trong những biện pháp mạnh nhằm tăng tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đất đai. Bước đi này quan trọng nhằm thực hiện Luật Thủ đô năm 2024, với mục tiêu quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Điều kiện chuyển đổi đất trồng lúa sang đất ở người dân lưu ý
Theo Điều 122 Luật đất đai 2024 điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở từ 01/8/2024 như sau:
(1) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đáp ứng các căn cứ quy định tại Điều 116 Luật đất đai 2024, trừ trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, Luật Dầu khí 2022; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
(2) Người được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Ký quỹ hoặc các hình thức bảo đảm khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư và điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
+ Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai hoặc có vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng đã chấp hành xong quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đề nghị giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc xác định người sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai áp dụng đối với tất cả các thửa đất đang sử dụng trên địa bàn cả nước.
(3) Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Các điều kiện quy định tại (2);
+ Người được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác;
+ Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương và không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định;
+ Có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(Ảnh minh họa)
Ngoài ra, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở còn phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện tại Điều 46 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng từ 02 ha trở lên đối với đất trồng lúa sang mục đích khác bao gồm:
- Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;
- Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quy định tiêu chí, điều kiện cụ thể việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đối với trường hợp không thuộc quy định tại (1).
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)