Là cha mẹ, ai cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc trưởng thành của con cái. Như một câu nói trên mạng: "Khi có con, việc 'khoe con' trở thành hoạt động thường ngày của các bà mẹ". Từ lần đầu lẫy, những bước đi chập chững, đến ngày đầu tiên đi học - những khoảnh khắc quý giá này thường được các mẹ chia sẻ đầy trên Facebook.
Với nhiều người, việc đăng ảnh con không chỉ là cách thể hiện tình yêu mà còn là "nghi thức" đẹp đẽ trong cuộc sống. Tuy nhiên, những bà mẹ thực sự thông minh lại hiểu rõ đạo lý "có thứ nên đăng, có thứ không". Họ biết rằng một số nội dung khi chia sẻ có thể mang đến rắc rối không đáng có, thậm chí là rủi ro tiềm ẩn cho con.
Hãy cùng thảo luận về "4 điều" mà các bà mẹ thông minh không bao giờ đăng trên MXH.
Không khoe của cải và thu nhập
Tục ngữ có câu: "Của cải không nên phô trương, giàu sang chớ khoe khoang". Những bà mẹ thông minh luôn ghi nhớ điều này, không bao giờ khoe khoang điều kiện kinh tế gia đình ở nơi công cộng như Facebook. Lý do rất đơn giản, phô trương sự giàu có dễ dẫn đến phiền phức không đáng có. Ví dụ như là gây đố kỵ.
Bản chất con người phức tạp khó lường, càng khoe khoang càng dễ khơi gợi tâm lý bất mãn ở người khác. Thậm chí có thể bị kẻ xấu để ý. Tóm lại, khi đã có con, cần phải cảnh giác hơn, đừng bao giờ thử thách bản chất con người. Bởi vì con cái chính là điểm yếu, chúng ta không thể mạo hiểm.
Không tiết lộ thông tin cá nhân của con
Một số bà mẹ thích đăng tên trường, lớp, đồng phục hoặc giấy khen của con. Thoạt nhìn có vẻ vô hại. Nhưng vấn đề là những thứ này thường chứa thông tin cơ bản về trẻ. Việc chia sẻ tưởng chừng vô thưởng vô phạt lại có thể làm lộ quyền riêng tư của con, mang đến hàng loạt rủi ro an ninh. Ví dụ, tạo cơ hội cho bọn buôn người.
Ngoài ra còn có nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến. Trong thời đại này, chỉ cần thông tin bị lộ là có thể bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo có chủ đích. Vì vậy, bảo vệ con trẻ phải bắt đầu từ việc chia sẻ thận trọng.
Không đăng những điều con không muốn công khai
Trẻ con dù nhỏ nhưng cũng có lòng tự trọng và quyền riêng tư. Có một câu chuyện trước đây, một bà mẹ rảnh rỗi lục ảnh cũ, tình cờ thấy bức hình con trai tè dầm hồi nhỏ. Với tâm lý "cho vui", cô không suy nghĩ nhiều mà đăng ngay lên Facebook. Không ngờ trong danh sách bạn bè có phụ huynh của bạn cùng lớp con trai, việc bé tè dầm nhanh chóng lan truyền khắp trường. Đứa trẻ xấu hổ, dù năn nỉ thế nào cũng không chịu đến trường, quan hệ cha mẹ - con cái cũng trở nên căng thẳng.
Thế nhưng đến bước này, người mẹ vẫn cho rằng mình chỉ đùa vui một chút, không có gì nghiêm trọng. Thực tế, đây là tâm lý phổ biến của nhiều phụ huynh, cho rằng trẻ con không biết gì. Nhưng sự thật là khi bạn vô tư khiến con "mất mặt", đồng nghĩa với việc chà đạp lòng tự trọng của chúng. Những tổn thương này còn nguy hiểm hơn cả đòn roi.
Những bà mẹ thông minh thực sự sẽ tôn trọng ý nguyện của con, không tùy tiện đăng nội dung khiến trẻ xấu hổ hoặc khó chịu.
Không khoe những việc chưa thành của con
Người xưa dạy: "Việc thành do giữ kín, lời lộ là thất bại, chuyện chưa xong đừng vội nói." Nghĩa là gì? Đơn giản là những việc chưa có kết quả chính thức thì đừng vội khoe khoang khắp nơi. Hãy âm thầm thực hiện để tránh rò rỉ thông tin gây phiền phức không đáng có. Áp dụng vào chuyện của con cái cũng vậy.
Một số bà mẹ thích khoe trước "thành tích" của con như tham gia cuộc thi nào đó chắc chắn đoạt giải, hay khả năng được nhận vào trường danh tiếng... Thực chất đây là cách bày tỏ niềm vui. Nhưng vấn đề là cuộc đời khó đoán, nếu kết quả không như mong đợi, không chỉ phụ huynh mà bản thân đứa trẻ cũng chịu áp lực tâm lý lớn hơn.
Như câu nói: "Làm giàu thì im lặng, thành công cần khiêm tốn". Đôi khi càng phô trương ồn ào, càng dễ nhận "trái đắng". Hãy nhớ: Chỉ nên chia sẻ tin vui khi mọi chuyện đã thành.
Thực chất, mạng xã hội như con dao hai lưỡi. Mang lại tiện ích nhưng cũng khiến ta dễ lộ thông tin cá nhân. Đáng sợ hơn, công nghệ internet hiện đại có thể ghép nối những chi tiết nhỏ lẻ thành thông tin đầy đủ.
Vì vậy mỗi phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, luôn đặt vấn đề an toàn của con lên hàng đầu, không cho kẻ xấu cơ hội. Cuối cùng, mong rằng mỗi người mẹ đều có thể trở thành hậu phương vững chắc cho con, chứ không phải vô tình trở thành "cầu nối" đưa rủi ro đến với chúng.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)