Theo các chuyên gia địa chất Kazakhstan, mỏ mới này chứa nhiều nguyên tố đất hiếm quan trọng như neodymium, cerium, lanthanum và yttrium. Nếu trữ lượng được xác nhận, Kazakhstan sẽ nhanh chóng vươn lên thành một trong những quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Brazil.
Khu mỏ "khổng lồ" này tọa lạc tại khu vực Zhana Kazakhstan, cách thủ đô Nur-Sultan khoảng 421km. Bộ Công nghiệp và Xây dựng Kazakhstan cho biết khu mỏ tập trung các nguyên tố đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất xe điện, turbine gió và thiết bị điện tử tiêu dùng. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy mật độ trung bình các kim loại đất hiếm trong khu vực đạt khoảng 700 gram mỗi tấn đất đá, một con số được đánh giá là khá ấn tượng.
Kazakhstan vừa phát hiện mỏ đất hiếm khổng lồ với trữ lượng ước tính lên tới 20 triệu tấn, ở độ sâu 300 mét
Phát hiện này diễn ra vào thời điểm thị trường đất hiếm toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, do nhu cầu tăng cao từ các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghệ cao. Hiện tại, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Do đó, một mỏ đất hiếm quy mô lớn ở Kazakhstan có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Mặc dù tiềm năng kinh tế là rất lớn, Kazakhstan vẫn chưa công bố chi tiết cụ thể về kế hoạch khai thác. Hiện chưa có thông tin về doanh nghiệp nào sẽ đảm nhận việc phát triển hay thời điểm triển khai dự án. Chính quyền Kazakhstan khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc khảo sát để đánh giá tính khả thi của dự án trước khi đi vào giai đoạn khai thác chính thức.
Việc khai thác đất hiếm cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể về môi trường. Tác động từ hoạt động khai khoáng có thể gây ô nhiễm đất, nước và không khí nếu không được quản lý chặt chẽ. Do đó, phát triển theo hướng bền vững và đảm bảo quy trình khai thác thân thiện với môi trường là yếu tố then chốt để dự án có thể thành công lâu dài.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng vừa công bố phát hiện một mỏ đất hiếm lớn tại tỉnh Vân Nam với trữ lượng tiềm năng khoảng 1,15 triệu tấn. Theo USGS, Trung Quốc hiện sở hữu kho dự trữ đất hiếm lên tới 44 triệu tấn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn với khoảng 22 triệu tấn đất hiếm. Mỏ Đông Pao tại tỉnh Lai Châu được xem là mỏ lớn nhất cả nước, với trữ lượng địa chất khô vào khoảng 11,3 triệu tấn.
Phát hiện "mỏ kho báu" ở Kazakhstan hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trên thị trường đất hiếm toàn cầu và đặt ra những thách thức mới về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Giới quan sát đang theo dõi sát sao những bước đi tiếp theo của chính phủ Kazakhstan trong việc thẩm định và chuẩn bị cho dự án khai thác quy mô lớn này.
Lam Vy (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)