Sự xuất hiện bất ngờ của “hoá thạch sống dưới nước” ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cơ quan chức năng. Ngay lập tức Sở Nông nghiệp địa phương đã nhanh chóng hành động và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
1. Cá kỳ nhông bí ẩn xuất hiện ở núi Mông Âm
Núi Mông Sơn nằm ở phía nam huyện Mông Âm, khu vực này trải dài hơn trăm dặm, thời xa xưa còn có cái tên là Đông Mông và Đông Sơn. Đây là khu vực rừng rậm rạp với tỉ lệ che phủ rừng lên đến 99%. Nơi đây nổi tiếng với nhiều kỳ quan với những nét hoang sơ của thiên nhiên.
Được biết, một du khách địa phương đã bất ngờ khi thấy một hòn đá biết bơi dưới chân thác nước. Khi đến gần, mới nhận ra đó là một loài bò sát. Lý do là vì màu sắc của loài bò sát này quá giống với những tảng đá xung quanh. Trên thực tế, đây là cách giúp chúng ngụy trang trong tự nhiên.
Loài bò sát này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Từ những bức hình được chụp lại, có thế thấy loài bò sát này dài khoảng 80 cm, đầu to và phẳng, chân tay ngắn, đang nằm dưới một tảng đá lớn.
Ngay sau đó, nhiều người am hiểu đã xác định đó là một con kỳ nhông khổng lồ, là một trong những loài động vật được bảo vệ cấp độ 2 tại Trung Quốc. Ngay sau khi xác minh đây là loài động vậy quý hiếm, người dân đã báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án bảo vệ thích hợp.
2. Được mệnh danh là “hoá thạch sống”
Kỳ nhông khổng lồ, còn có tên khoa học là Andrias davidianus là một trong những loài lưỡng cư lớn nhất còn tồn tại trên thế giới, loài này cực kỳ quý hiếm và hiện nay chỉ còn tìm thấy ở Trung Quốc. Chúng chỉ sống ở môi trường đặc thù tại các dòng suối trong núi với yêu cầu cực cao về chất lượng nước, do đó kỳ nhông khổng lồ còn được coi là tiêu chuẩn sinh thái cho môi trường nước.
Người ta kể rằng, vài chục năm trước, kỳ nhông khổng lồ khá phổ biến ở các khe suối miền núi. Khi kêu, tiếng của chúng rất giống với tiếng trẻ con khóc nên còn còn được gọi là “oa oa ngư”, nghĩa là cá trẻ con.
Kỳ nhông khổng lồ là một loài động vật lưỡng cư có nguồn gốc rất cổ xưa, nguồn gốc của chúng từ những loài cá thuỷ sinh thuộc kỷ Devon trong đại Cổ Sinh vào 360 triệu năm về trước.
Theo nhiều nghiên cứu, trước khi xuất hiện khủng long, động vật lưỡng cư - tổ tiên của loài kỳ nhông khổng lồ là một trong những kẻ săn mồi đỉnh cao trên Trái đất. Với thân hình dài hơn 2 mét, bốn chi thon dài, chủ yếu sống dưới nước và ăn cá. Qua quá trình tiến hóa lâu dài, kích thước của những sinh vật cổ đại này dần thu nhỏ lại, cuối cùng hình thành nên loài kỳ nhông khổng lồ hiện nay.
Kỳ nhông khổng lồ có thể đạt chiều dài đến 1,8m, tuổi thọ trung bình từ 50 đến 60 năm, thậm chí có thông tin cho rằng chúng có thể sống từ 80 đến 100 năm.
3. Phương án bảo vệ của Chi cục Nông nghiệp địa phương
Ngay khi nhận được thông tin về sự xuất hiện của kỳ nhông khổng lồ, Chi cục Nông nghiệp địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hành động đến hiện trường nhằm bảo vệ loài động vật này tại chỗ.
Theo ông Lý Truyền Bình thuộc Chi cục Nông nghiệp Mông Âm: "Con kỳ nhông khổng lồ này khá lớn và nặng, ước tính khoảng 6 kg. Chúng có môi trường sống với yêu cầu cao về nguồn nước, do đó không thể tùy ý thay đổi môi trường sống của nó, chỉ có thể bảo vệ tại chỗ. Chúng tôi đã di chuyển nó đến một nơi ẩn náu vắng vẻ, với nhiều hang động, phù hợp với tập tính sinh sống của chúng".
Phải nói rằng, cách xử lý của Chi cục Nông nghiệp địa phương cực kỳ chuyên nghiệp và chính xác. Nếu thiếu hiểu biết, vội vàng thay đổi môi trường sống của cá thể kỳ nhông khổng lồ sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
4. Kỳ nhông khổng lồ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng
Kỳ nhông khổng lồ là loài động vật được được bảo vệ cấp độ 2 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do tình trạng ô nhiễm nguồn nước môi trường sống của chúng ngày càng thu hẹp lại, sự tồn tại của loài động vật này đứng trước nhiều nguy cơ.
Ở nhiều nơi, kỳ nhông khổng lồ đã hoàn toàn biến mất, hiện nay chỉ còn một số lượng nhỏ cá thể hoang dã sinh sống ở các khu vực như Tần Lĩnh, Đại Bá Sơn và Vũ Lăng Sơn.
Kỳ nhông khổng lồ có thị lực cùng khả năng di chuyển rất kém. Một khi bị phát hiện, chúng hầu như không có cơ hội trốn thoát dưới bàn tay của những kẻ xấu. Mặc dù hiện nay, việc nuôi nhân tạo giống kỳ nhông khổng lồ đã rất phổ biến, nhưng ở hoang dã, kỳ nhông khổng lồ vẫn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi quá trình biến đổi tự nhiên của con người.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)