Móng chân màu tím
Trường hợp móng chân của bạn có màu tím, điều này có thể là do tụ máu hoặc vết bầm tím dưới móng. Theo các chuyên gia cho biết, nếu màu tím dưới móng do máu tụ hay vết bầm tím dưới tác động ngoại cảnh, cách tốt nhất để xử lý là kiên nhẫn, không làm gì cả và để móng chân khỏe mạnh phát triển theo thời gian sẽ tự thay thế dần phần sẫm màu. Điều này có thể mất vài tháng để chữa lành, vì móng chân chỉ phát triển một milimet mỗi tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe nếu móng chân có dấu hiệu đau đớn. Bởi dấu hiệu này đôi khi có thể xảy ra khi máu tích tụ dưới móng chân trở nên bất thường và đổi màu quá mức. Trong một số trường hợp, móng chuyển màu tím cũng có thể báo hiệu các vấn đề về tuần hoàn. Màu tím cho thấy móng đang nhận ít oxy hơn mức cần thiết.
Móng chân có màu vàng hoặc nâu
Nguyên nhân phổ biến khiến móng chân có màu vàng hoặc nâu là do nấm móng. Và nếu rơi vào trường hợp này, rất có thể móng chân cũng trở nên dày và dễ gãy. Nấm móng có thể xảy ra do đi giày thể thao ẩm ướt hoặc đi cùng một đôi giày quá lâu. Bên trong giày là môi trường hoàn hảo để chứa các sinh vật nấm. Tình trạng này thường bắt nguồn từ việc da bị nhiễm trùng. Khi nấm xâm nhập sâu hơn vào móng, nó có thể khiến móng đổi màu, dày lên và dễ gãy. Việc điều trị tình trạng này phụ thuộc phần lớn vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, và để tìm ra bệnh, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ và thực hiện sinh thiết móng. Nhiễm nấm ở móng chân mất khá nhiều thời gian để chữa lành.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác khiến móng màu vàng và nâu đó là dấu hiệu biến chứng của bệnh tiểu đường. Nếu bạn bị tiểu đường, các bác sĩ sẽ kiểm tra bàn chân của bạn mỗi khi khám sức khỏe tổng thể. Móng màu vàng cũng có thể chỉ ra các vấn đề về hô hấp hoặc phổi. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm. Dù vậy, bạn vẫn phải cảnh giác và quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn.
Móng chân có đường màu trắng hoặc đốm trắng
Các đốm trắng hoặc đường màu trắng có thể xuất hiện trên móng nếu bị áp lực hoặc chấn thương móng nhiều lần. Ví dụ, nếu người chạy mang một đôi giày quá nhỏ và các ngón chân liên tục cọ xát vào đầu giày. Các đốm trắng sẽ hình thành nếu vết thương không đủ nặng để làm tổn thương mạch máu, hình thành vết tím bầm.
Tuy nhiên, móng xuất hiện vết trắng này cũng có thể xuất phát từ tình trạng thiếu kẽm hoặc sắt. Nếu các đốm trắng là do chấn thương, hãy thử dùng một loại vitamin làm chắc móng như biotin để phục hồi tóc, da và móng. Có thể mất vài tháng để chữa lành, vì móng chân thường chỉ mọc rất chậm.
Móng chân có màu đen
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến móng chân màu đen là do chấn thương. Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ phải đợi toàn bộ móng phát triển tự nhiên, có thể mất khoảng sáu đến chín tháng. Ngoài chấn thương, móng chân đen cũng có thể do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như thiếu vitamin B12, các vấn đề về thận hoặc bệnh gan. Nếu bạn lo lắng về bất kỳ tình trạng nào ở trên, hãy đến trung tâm y tế kiểm tra hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nếu móng chân của bạn không có màu đen toàn bộ, nhưng có các đường đen dọc theo hoặc bên dưới chân móng, nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh hắc tố tuyến tính. Tình trạng này xảy ra khi các sắc tố trong móng được gọi là tế bào hắc tố tạo ra sắc tố dư thừa, khiến móng bị sẫm màu. Nếu móng chân có sự thay đổi màu sắc rất bất thường, hãy nói với bác sĩ về lịch sử hoạt động của bạn và những thứ bạn đã chạm vào để chẩn đoán dễ dàng hơn.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)