Một câu chuyện hy hữu được ghi nhận tại khu vực núi non hiểm trở, nơi giáp ranh ba tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên của Trung Quốc. Khu vực này có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng, tạo môi trường cho nhiều loại cây gỗ quý phát triển, đặc biệt là gỗ kim tơ nam mộc. Loại gỗ này nổi tiếng nhờ độ cứng chắc, bền bỉ vượt trội, khả năng chống mối mọt và ăn mòn vượt thời gian. Dù bị vùi sâu trong lòng đất hay ngâm dưới nước hàng nghìn năm, gỗ vẫn không hề hư hại, khiến giá trị của chúng trở nên vô cùng quý hiếm.
Từ xa xưa, loại gỗ này thường được sử dụng để xây dựng các công trình quan trọng như cung điện và đền đài. Có thời kỳ, chỉ giới hoàng tộc mới được phép sử dụng, vì vậy kim tơ nam mộc còn được biết đến với cái tên “gỗ hoàng đế”.
Về sau, do khan hiếm và từng bị thất truyền, giá trị của loại gỗ này ngày càng tăng cao, trở thành món hàng được tầng lớp giàu có săn lùng với mức giá cao chót vót. Tuy nhiên, có một ông lão dù nắm trong tay “kho báu” trị giá tới gần 900 tỷ đồng ngay trong khu vườn nhà vẫn kiên quyết không bán.
Lão nông phát hiện 'kho báu' gỗ quý 900 tỷ trong vườn nhà (Ảnh minh họa).
Theo đó, một ông cụ sinh sống tại Trùng Khánh đã vô tình sở hữu ba cây kim tơ nam mộc cổ thụ trong vườn suốt nhiều năm mà không hề hay biết giá trị thật của chúng. Chỉ đến khi một chuyên gia có kiến thức sâu về gỗ quý phát hiện và nói rõ về sự hiếm có của ba cây này, ông mới bật cười kể lại rằng chúng đã có mặt từ thời ông còn nhỏ. Ngày ấy, ông nội của ông từng gọi đó là “cây tiền”, khuyên con cháu phải dành công chăm sóc kỹ lưỡng nhưng chưa bao giờ nghĩ đó là loại gỗ đắt giá đến vậy.
Khi thông tin lan rộng, không ít người đã tìm đến với ý định mua lại, thậm chí có người trả tới 280 triệu NDT (hơn 964 tỷ đồng so với tỷ giá hiện tại) để sở hữu ba cây gỗ quý này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực đã nhanh chóng can thiệp và khuyên cụ ông không nên bán.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, kim tơ nam mộc là loại gỗ quý hiếm đang được nhà nước bảo vệ nghiêm ngặt, thuộc danh mục cấm khai thác và chặt hạ. Ba cây trong vườn nhà cụ không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị sinh học và nghiên cứu rất lớn. Do đó, thay vì bán lấy tiền, tốt hơn hết là giữ gìn và nhân giống loài cây này.
Sau khi được giải thích cặn kẽ, cụ ông đã quyết định hiến tặng cả ba cây cho chính quyền địa phương. Từ đó, ba cây kim tơ nam mộc được quây rào, chăm sóc kỹ lưỡng và đưa vào diện bảo tồn đặc biệt.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)